Dạo chơi bên sông Ahr (Đức): Tận hưởng thiên đường vang đỏ
Thung lũng bên sông Ahr (một nhánh của Rhein) được mệnh danh là thiên đường rượu vang đỏ. Nơi đây có bạt ngàn ruộng nho vì đất ở sườn núi rất thích hợp để trồng nho đỏ - nguyên liệu làm ra loại vang rượu thơm ngon nổi tiếng.
Du khách dạo chơi quanh năm trên đường Vang Đỏ. Ở đây mỗi mùa có phong cảnh và sắc thái riêng: mùa Xuân không gian tươi mới, màu lá non xanh ngút tầm mắt; mùa Hè hoa nở, trái kết khắp chốn; mùa Thu nho chín và lá vàng; mùa Đông sườn núi phủ đầy tuyết trắng, những thân nho trụi lá đứng xếp hàng bên nhau tạo thành những sợi chỉ song song vắt từ đỉnh xuống chân núi.
Trên sườn những dãy núi này là hệ thống đường đi dạo được xây dựng từ hơn 150 năm trước, trải dài 35 km. Từ chân núi lên đỉnh, giữa ruộng nho là những đường nhỏ rộng khoảng hai mét, lát bê tông, có độ cao khác nhau. Nếu đi ở tầng trên cùng, du khách luôn thấy được phía dưới là thung lũng, làng mạc và thành phố cổ. Vào cuối tuần, từng nhóm người trang bị giày thể thao, gậy chống và ba lô đựng thực phẩm, nước uống đi hàng mấy chục cây số trên đường nho này như một cách vận động cơ thể giữa cảnh thiên nhiên xinh đẹp và trong lành.
Trong suốt hành trình đi dạo, nếu ai mệt thì có thể đi xuống các điểm xe bus hoặc tàu để quay lại nơi xuất phát. Trên đường đi, cách vài cây số lại có một nhà hàng phục vụ món ăn và rượu vang mới chưng cất. Nếu muốn đi xa và nhanh hơn, du khách có thể chọn đường xe đạp, là đường nhỏ dưới chân núi, dọc theo sông Aar, len lỏi qua các phố cổ, có chiều dài khoảng 90 km.
Dọc theo sông dòng Ahr nhỏ bé, thanh bình có nhiều thành phố nhỏ, nơi còn lưu giữ được những công trình kiến trúc cổ như lâu đài, pháo đài, nhà thờ. Đặc biệt, tại thành phố Anrweiler, bức tường thành bằng đá bao quanh phố cổ đã may mắn tránh được sự phá hủy của hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau khi mỏi chân giữa trập trùng ruộng nho, du khách có thể chọn một thành phố cổ gần đó để ghé thăm. Nơi được du khách dừng chân nhiều nhất là Ahrweiler. Đi qua một trong bốn cổng thành bằng gỗ đã được phục chế như nguyên bản từ thế kỷ thứ XIII theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Hầu hết các ngôi nhà trong phố cổ đều có tuổi đời từ hai, ba trăm năm trở nên. Mặc dù kiến trúc và cột gỗ vẫn được bảo tồn, nhưng sự phục chế với họa tiết trên tường làm cho chúng mang dáng vẻ như những công trình mỹ thuật. Trước mỗi ngôi nhà có công năng đặc biệt từ thời Trung đại đều có bảng mô tả khái quát để du khách nắm rõ.
Thành phố này tất nhiên có nhiều nhà sản xuất rượu vang truyền thống. Vào những ngày đặc biệt, hầm rượu mở cho du khách tham quan. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, du khách được giới thiệu tới Bảo tàng Rượu vang hoặc tham gia những buổi nói chuyện tại Diễn đàn Rượu Vang.
Với người trồng nho, người sản xuất rượu và những “tín đồ” của rượu vang thì các lễ hội rượu vang là hết sức quan trọng. Mỗi thành phố thuộc thung lũng bên sống Ahr đều có lễ hội riêng của mình và thường bắt đầu từ giữa tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm. Khu vực trồng nho rất rộng, trải dài hàng trăm cây số, vì thế để cho các lễ hội không bị trùng thời điểm thì chương trình các hoạt động ở lễ hội rượu vang phải được sắp đặt và thông báo từ sớm trên mạng Internet hoặc báo chí địa phương.
Lễ hội rượu vang tất nhiên nhằm giới thiệu các loại rượu vang khác nhau, từ những loại truyền thống tới hiện đại nhất. Trong tiếng nhạc hùng hồn của dàn kèn đồng và trống, đoàn xe hoa diễu hành qua trung tâm phố cổ vào ngày cuối cùng trước khi lễ hội kết thúc. Các xe được trang trí rực rỡ theo chủ đề như truyền thống trồng nho, làm rượu, hoặc tái hiện các biến cố lịch sử đã xảy ra trên vùng đất này. Khi chiếc xe cuối cùng vào thành thì hai cánh cổng gỗ từ từ khép lại.
Đội quân gác cổng mặc quần áo và trang bị như những người lính bảo vệ thành ngày xưa sẽ phụ trách phần bán vé cho du khách. Mỗi du khách trả 2,5 euro và nhận được một ly thủy tinh nhỏ. Từ lúc này đến tàn lễ hội, du khách được tự do uống rượu vang. Đoàn người vừa đi vừa không ngừng rót rượu đặc sản là vang đỏ cho du khách. Cho dù rượu vang được rót không hạn chế, nhưng rất ít trường hợp khách bị say. Riêng thiếu nhi được mời nước ép nho đỏ.
Những nhà sản xuất bánh mì, xúc xích hào phóng và chu đáo chuẩn bị đồ nhắm cho du khách. Nhiều đoàn người liên tục phát các miếng bánh mì nhỏ, hoặc xúc xích nhỏ như ngón tay. Có đoàn tất cả thành viên đều ôm trên người những chiếc bánh mì to, vừa đi vừa nhảy múa trong tiếng nhạc, vừa cắt mời mọi người.
Nổi bật trong đoàn diễu hành đầu tiên phải kể đến thần Rượu Vang sau đó là các nữ hoàng và công chúa Rượu Vang. Mỗi thành phố đều có một nữ hoàng và công chúa riêng của mình với nhiệm kỳ tại vị một năm. Trong suốt năm đó, nữ hoàng bận rộn với nhiệm vụ của một đại sứ rượu vang, tham gia tất cả các hoạt động liên quan đến ngành trồng nho và sản xuất rượu, quảng bá sản phẩm, tiếp đón khách quý… Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các nữ hoàng luôn luôn xuất hiện với ly vang trên tay, tham gia diễu hành, phát bưu thiếp giới thiệu bản thân và địa hạt mình “trị vì”.
Đi dạo ở đường Vang Đỏ rồi tham gia vào lễ hội, du khách sẽ nhận ra rượu vang lúc này không chỉ như một loại thức uống đơn thuần, mà được nâng lên tầm thưởng thức tương tự như trà đạo ở một số nước châu Á.