Phố Hàng Buồm (Hà Nội): Lưu giữ những di tích lịch sử giá trị
Phố Hàng Buồm nằm trên dãy phố ngang cắt trục đường phố thương mại - xương sống của khu phố cổ. Phố dài khoảng 300m, nằm theo hướng Đông - Tây. Đầu phía Đông của phố nối vào phố Mã Mây tại ngã tư với phố Đào Duy Từ, đầu phía Tây là ngã tư với ba phố: Hàng Đường, Hàng Ngang và Lãn Ông. Cắt ngang phố là phố Hàng Giày và phố Tạ Hiện.
Phố xưa thuộc phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng. Phường Hà Khẩu khởi thủy là thôn xã Việt Nam, cư dân ở đây sống sát bờ sông Nhị và sông Tô Lịch nên làm nhiều nghề liên quan đến sông nước. Người Hàng Buồm mua nhiều nguyên liệu cói của thuyền buôn Sơn Nam Hạ, họ có nghề làm và bán các hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu, buồm, mành… Vì thế mà phố mới có tên là phố Hàng Buồm.
Phố Hàng Buồm xưa tập trung rất nhiều người Hoa đến sinh sống và buôn bán. Từ thế kỷ 19, phố này đã trở thành phố người Tàu. Theo các tài liệu còn ghi chép được thì ban đầu người Hoa tập trung ở phố Việt Đông (nay là phố Hàng Ngang), sau lan sang các phố xung quanh như Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) rồi mới đến phố Hàng Buồm. Nghề sở trường của họ là buôn bán, mà Hà Khẩu lại có vị trí trên bến dưới thuyền thuận lợi nên phố đã trở thành nơi buôn bán và cư trú chính của người Hoa Quảng Đông.
Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (1872), chúng đổi tên thành phố Rue des Voiles. Lúc này phố Hàng Buồm đã tập trung rất đông các nhà Hoa Kiều hoạt động buôn bán trong Hội quán Quảng Đông. Thời kỳ này nhiều lái buôn người Hoa đã bất chấp luật pháp của triều đình, lén lút giao thương với các lái buôn Pháp và dần trở thành nội gián, tiếp tay cho quân xâm lược. Vì thế mà những năm biến động (1873, 1882), Hà Nội trải qua bao phen binh đao khói lửa, thành trì hai lần bị hạ. Các phố của người Việt ít nhiều đều bị đốt phá, cướp bóc, riêng phố người Hoa Kiều ở Hàng Ngang, Hàng Buồm thì vẫn đông vui tấp nập, kẻ buôn người bán, vì được người Pháp bảo hộ. Thời kỳ này, các thương nhân Hoa kiều lợi dụng tình hình chính trị, xã hội làm giàu nhanh chóng, tập trung ngày càng đông ở phố Hàng Buồm, biến Hàng Buồm thành một “phố khách”.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Hàng Buồm nằm ở trung tâm Liên khu I, do Ủy ban kháng chiến liên khu cho phép các cửa buôn bán của Hoa Kiều được tự do mở cửa nên phố là nơi duy nhất của Hà Nội lúc đó có những hoạt động dịch vụ không khác gì thời bình. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I cũng được đặt ở đây, tại số nhà 26 hiện nay.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử nhưng phố Hàng Buồm vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ nhất, dù đã có một vài ngôi nhà được xây cất lại, hay sửa sang lại mặt tiền khang trang hơn. Hiện nay phố vẫn còn lưu giữ nhiều di tích tôn giáo cũng như di tích cách mạng.
Đầu tiên phải kể đến đền Bạch Mã nổi tiếng nằm ở số nhà 76, đã được xếp hạng là di tích lịch sử của Thủ đô. Tương truyền đền có từ thế kỷ IX. Đền thờ Thần Long Đỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã Đại Vương, là trấn Phương Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Đền Bạch Mã là công trình kiến trúc khá lớn, quy hoạch theo chiều sâu, bắt đầu từ phố Hàng Buồm đến phố Ngõ Gạch, xây dựng theo hướng Đông Nam, sát hè phố Hàng Buồm. Mặt bằng tổng thể có các công trình trên trục chính gồm: Nghi môn, phương đình, tiền tế, trung tế và hậu cung. Ở bên cạnh đền Bạch Mã có chợ mà người dân quen gọi là chợ Bạch Mã. Vào đời nhà Lê, đây là nơi buôn bán sầm uất và được xem như một trong tám cảnh tiêu biểu cho kinh thành Thăng Long. Chợ này cùng với chợ Cầu Đông trên phố Hàng Đường được dồn về lập chợ Đồng Xuân từ thời Pháp thuộc năm 1889.
Kiến trúc tiêu biểu nhất còn lại của văn hoá Trung Hoa ở phố cổ Hàng Buồm này là ngôi nhà số 22, vốn là Hội quán của người Hoa xưa, nay là Trường Mẫu giáo Tuổi thơ của quận Hoàn Kiếm. Mặt tiền với lớp mái ngói tráng men “thanh lưu ly” rất đặc trưng và những “con giống” là những tượng gốm các nhân vật trong các tích truyện Trung Hoa hay các vật linh với những nét đặc trưng của một Hội quán của người Hoa như thường gặp ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) hay Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, trên phố Hàng Buồm còn có ngôi đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, dân gian vẫn gọi là đình Hàng Thịt vì do phường Hàng Thịt gốc ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên. Đền Quan đế, số 28 Hàng Buồm, hiện tại bị lấn chiếm hết và Hội quán Quảng Đông nay cũng trở thành trường mẫu giáo.
Ngày nay, phố Hàng Buồm cùng với phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường tạo thành khu vực buôn bán sầm uất nhất của phố cổ Hà Nội. Người bán kẻ mua lúc nào cũng tấp nập đông đúc. Người Hàng Buồm không còn bán những mặt hàng truyền thống như ngày xưa nữa mà thay vào đó là đa dạng rất nhiều loại hàng hóa khác nhau như bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí, rượu bia, nước giải khát. Đặc biệt vào những dịp lễ Tết thì phố đông như trảy hội. Phố Hàng Buồm cũng nổi tiếng với nhiều quán bán đồ ăn như thịt quay, bún, nộm... thu hút được rất đông khách du lịch và người dân Hà Nội.
Người Hà Nội tìm đến với phố Hàng Buồm hôm nay không chỉ để tìm lại ký ức về một con phố buôn bán sầm uất xưa kia mà còn để được đắm mình trong không gian cổ kính rất đặc trưng của 36 phố phường.