Non nước Việt Nam

Nhịp xoè của người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai)

Cập nhật: 06/09/2010 08:09:22
Số lần đọc: 2362
Từ xưa đến nay, mỗi khi có hội, có lễ, người Tày Tà Chải - Na Hối (Bắc Hà) lại tổ chức xòe. Xòe để cây lúa thành bông, xòe để cây ngô thành bắp, xòe để trai gái thành đôi, xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hàng ngày.

Mỗi khi âm thanh trầm bổng, nhịp trống nổi lên lại thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại gần nhau, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm.

 

Đến Tà Chải - Na Hối hỏi múa xòe có từ bao giờ chắc không ai có thể trả lời được, những người già nhất của Tà Chải - Na Hối cũng chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì xòe đã có rồi. Ông Lâm Văn Lù, một nghệ nhân về múa xòe ở xã Tà Chải kể lại: Tương truyền từ xa xưa, lâu lắm rồi, mấy năm liền ở đây mùa màng đều thất bát. Cây lúa ra bông cứ lép trắng, còn cây ngô thì ra bắp không có hạt. Người Tày ở vùng Tà Chải - Na Hối đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu để mùa màng được bội thu... Và năm ấy, trời mưa thuận gió hòa, cây lúa trĩu bông, cây ngô chắc hạt. Để cám ơn trời đất, người dân mở hội ăn mừng, trong ngày hội tiếng trống và tiếng kèn pí lè vang lên rộn rã, không ai bảo ai cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa và họ hát lên:

 

Xoè... xoè... Cây lúa thành bông

 

Xoè... xoè... Cây ngô thành bắp

 

Xoè... xoè... Trai gái thành đôi

 

Cũng từ đó, nhịp xoè là hoạt động không thể thiếu trong ngày hội ở Tà Chải và Na Hối. Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ đều hoà mình vào những điệu xoè truyền thống trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn pí lè rộn rã.

 

Xoè có nhiều điệu, có xoè đập lúa (phạt khẩu), xoè chiêng (pa nhăm pa), xoè mò cá, xoè nón, xòe quạt... các điệu xoè đều mô phỏng theo hoạt động lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây. Ví dụ, điệu xòe đập lúa dồn dập, náo nhiệt như thúc giục mọi người đi gặt lúa, gánh thóc về nhà, nhịp điệu khẩn trương hơn. Hay điệu xoè “đón xuân” của các chàng trai, cô gái, vòng xoè lúc này rộng ra và nhịp điệu gấp gáp hơn; từng đôi trai gái, tay trong tay, dắt nhau bước đi trong nhịp xoè rộn rã. Còn điệu xoè mò cá thì vòng xoè cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra, như lời thủ thỉ của chàng trai, cô gái.

 

Trong các kiểu xòe thì điệu xòe vòng là thông dụng nhất. Một - vài chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia say sưa theo nhịp trống, chiêng lúc bổng, lúc trầm và có sức lôi cuốn mạnh. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xoè.

 

Nét đẹp trong các làn điệu xoè truyền thống đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của người Tày Tà Chải - Na Hối (Bắc Hà). Các điệu xoè còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo. Vì vậy, xoè Bắc Hà là một trong những di sản văn hoá đang được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Khách quốc tế đến với Bắc Hà rất thích được tham gia, thưởng thức và  tìm hiểu về nguồn gốc của vũ điệu này.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT