Tết quê Nam Bộ
Sau khi làm lễ đưa ông Táo về trời, người ta lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, đồ ăn thức uống, và đặc biệt là đồ dâng cúng trong 3 ngày Tết.
Mâm ngũ quả bày bàn thờ dâng cúng tổ tiên là việc được quan tâm nhiều nhất. Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây hàm chứa những mong mỏi rất đời thường. Mãng cầu tức là cầu chúc cho mọi điều được thuận lợi. Dừa, tương tự như "vừa", có nghĩa là vừa vặn, không thiếu. Đu đủ với hàm ý một năm mới được đầy đủ, thịnh vượng. Xoài phát âm na ná như xài, việc tiêu xài không chật vật và sung gắn với ý niệm sung mãn về sức khỏe và tiền bạc. Cầu vừa đủ xài cho cuộc sống sung túc hơn, một ước muốn thật bình dị. Mâm ngũ quả còn thể hiện truyền thống ăn quả nhớ người trồng cây.
Chiều 30 tết, các món ăn được dọn lên cúng rước vong linh ông bà về ăn Tết với con cháu. Hương nhang nghi ngút khiến người ta lắng lòng, bồi hồi nhớ về những kỷ niệm xưa. Người xưa dạy ăn ở phải hiền ngoan, sống phải trọn tình vẹn nghĩa, vì vậy trong ngày cuối năm, ngoài mâm cúng đất đai để cầu bình yên nơi mình ở, người dân Nam Bộ thường làm một mâm cúng ngoài trời, cho các chiến sĩ lạc vong. Người miền quê Nam Bộ vốn trọng lễ nghĩa.
Thêm nét bút trên tấm liễn đỏ để sắc xuân rực rỡ hơn. Ở quê, những người cao niên hay bày mực tàu, giấu đỏ để viết câu đối tết cho gia đình và tặng hàng xóm. Trẻ con, và cả người lớn tụ tập xung quanh thường bị cuốn hút theo từng nét bút như rồng bay phượng múa. Ngày nay, người biết chữ nho không nhiều nhưng tục viết câu đối tết vẫn còn được giữ gìn.
Tết cổ truyền của dân tộc vốn thiêng liêng, gắn bó với mọi người Việt Nam. Tết đang đến với làng quê Việt Nam, một cái tết yên bình, đầm ấm...