Non nước Việt Nam

Hát phường vải: Một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân ca Nghệ An

Cập nhật: 09/09/2010 09:12:25
Số lần đọc: 3914
Người dân Việt Nam dù ở bất kỳ  nơi đâu cũng luôn tự  hào về nền văn hoá  dân gian đặc sắc, đặc biệt là  những câu dân ca thắm đượm nghĩa tình. Dân ca được truyền miệng từ  đời này qua đời khác, từ  miền này qua miền khác, giao lưu trong dân gian.

Được đúc kết từ nhửng lời ăn, tiếng nói mộc mạc, từ cái hay, cái đẹp, cái tinh tuý trong nhân dân lao động nơi ruộng đồng, sông nước, các làn điệu dân ca được coi như những nét văn hoá  đặc trưng của từng vùng, miền và mỗi khi nhắc tới một vùng nào đó thì tất cả mọi người dân Việt Nam đều biết về làn điệu dân ca độc đáo của miền quê ấy.

 

Hát phường vải là một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca của vùng Nghệ An. Cũng như các loại dân ca khác, nó là một phương tiện văn nghệ tự túc của nhân dân Nghệ An. Nội dung căn bản của nó mang đậm tính trữ tình. Song nó có khác các loại dân ca khác ở chỗ có sự tham gia của những nhà nho. Cho nên tính chất một số câu hát, quy cách trong khi hát, hình thức câu hát, quá trình của một cuộc hát... có phức tạp hơn.  

 

Hát phường vải là một loại hình văn học dân gian, một loại hát ví đặc biệt nhất trong gia tài dân ca của vùng Nghệ An. Cũng như các loại dân ca khác, nó là một phương tiện văn nghệ tự  túc của nhân dân, gắn liền với các phường vải của các cô gái xứ Nghệ, nhất là các vùng Nghi Xuân, Kì Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà... (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Đô lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... (Nghệ An). Điệu hát thể hiện sự cần mẫn, trí tuệ, khoe sẵc, đua tài. Các giai điệu ứng đối, sáng tác, chỉnh sữa. Là một môn nghệ thuật như món ăn tinh thần của người dân xứ Nghệ. ..

 

Nghệ nhân dân gian là những "tác giả" của những câu hát phường vải đầu tiên và cũng chính họ là những người bảo lưu, kế thừa và phát huy vốn hát ví, vốn ca dao, dân ca truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa quê hương, dân tộc này.

 

Hát ví phường vải xuất hiện từ lúc nào chưa ai biết chính xác, nhưng phát triển rầm rộ nhất vẫn là thời gian ngành bông vải sợi du nhập vào Việt Nam. Do hát ví gắn liền với lao động, nên mỗi một loại hát ví lại gắn với một loại hình lao động riêng biệt như: hát ví của những người đi cấy thì gọi là ví phường cấy, hát ví của những người đi củi thì gọi là ví phường củi, hát ví của những người dệt vải thì gọi là ví phường vải... Trong lúc đưa thoi, dệt vải, các cô thường hát với các cậu trong làng tới hát đối hoặc hát tỏ tình, hát đố, hát thử tài. Ngành dệt vải khá sung túc, nên các cô thường được đi học với các thầy đồ. Vì vậy trong vùng phường vải có nhiều thầy giáo và chính họ tham gia các buổi hát đối trong vai thông sự để nhắc lời cho mấy cô phá lại các cậu tới thử tài. Vào những dịp nông nhàn, trong những đêm thời tiết tốt, quanh năm bảy chiếc xa quay sợi, những tiếng hát hay qua những câu đối đáp tài tình, tao nhã của hai phe nam nữ đã lôi cuốn được bao nhiêu người, từ những người tầm thường đến những bậc cự nho như Tú San, Mền Cơ (tú tài Hoàng Đình Thực ở xã Thịnh Lạc), Giải San… Do vậy, hát ví phường vải chính là sự kết hợp giữa những người trí thức với người lao động.

 

Ở thôn Bố Đức, kế cận rú Dồi, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có một người hát phường vải hay nổi tiếng là tú tài Lê Đinh San (hay Sách) mà người ta thường gọi Tú San (hay Tú Sách) hoặc Hàn San (hay Hàn Sách) đã để lại trong dân gian nhiều câu hát lưu truyền đến ngày nay.  
Đề tài hát phường vải thường xoay xung quanh chuyện tình yêu, hỏi thăm tên tuổi, thử tài kiến thức.

 

Hát ví phường vải thường có các nhà nho tham gia ứng tác và đối đáp, vừa tình cảm vừa thể hiện trí tuệ, nhờ vậy hát ví chính là sự kết hợp giữa những người trí thức với người lao động.

 

Nếu xét về  phương diện văn học thì ví phường vài còn là cuộc thi tài đọ sức về văn chương. Chính vì thế mà ngày một thu hút đông đảo các nhà trí thức xa gần tụ hội về Nam Đàn để tham gia hát ví phường vải. Trên cơ sở ấy, hát ví phường vải đã vượt cao hơn văn nghệ bình thường và đỉnh cao là "tuyên truyền cách mạng" khi các nhà cách mạng tham gia hát ví đã lồng vào nội dung cổ động, phát động phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc…

 

Hát phường vải có truyền thống lề lối đàng hoàng. Câu văn nghiêm chỉnh, đúng niêm luật, thơ lục bát phần  đông nhưng có khi biến thể. Người hát phải làm cùng nghề kéo bông. Con trai khi đến hát phải đứng ở ngoài đường. Khi nào qua được chặng đầu (hát dạo, hát chào), và chặng nhì (hát đố ) thì mới được mời vào bên trong nhà tiếp tục hát xe kết trước khi hát tiễn .

 

Trong ví phường vải, hát hỏi (hát đố, hát đối và hát xe duyên (hát tình, hát xe kết)) là để lại nhiều  áng văn chương hay nhất. Con gái Nghệ An vốn yêu thơ ca, con nhà nông có, con nhà khoa bảng có, khi hát đố sách, đố chữ, có khi hát đố về thực tế. Có khi là "Truyện Kiều anh thuộc làu làu, Đố anh đọc được một câu hết Kiều", có khi là câu đố đố hóc búa:

 

Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã

Chín con rồng nằm Cửu Long Giang

Chàng mà đối được, có lạng vàng em trao…

 

Ví phường vải là một thể vừa định hình vừa không câu thúc bởi điều gì, thậm chí không cần đến một nhạc cụ nào nên sức sống của nó rất lâu bền, dù canh cửi giờ đây không còn nữa. Chính người phụ nữ là người nuôi đạo lý, giữ gìn nền nếp, gia phong, hương tục, rộng ra là bản sắc văn hoá Việt Nam. Vai trò cao quí của người phụ nữ là ở chỗ đó. Người phụ nữ xứ Nghệ rất bình đẳng với nam giới và có tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ. Để được giải phóng, họ dám phát biểu, đương đầu và không lệ thuộc vào những giáo điều. Người ta hay chê kẻ đứng núi này trông núi nọ.

  
Trong kho tàng tục ngữ, ca dao vùng này có câu giận, câu thương, câu chán, câu hờn nhưng xét về tần số thì câu thương, câu nhớ, câu nghĩa, câu tình vẫn đậm đặc hơn cả. Khi sáng tác thì rất phong phú, đa dạng. Qua thời gian, tức là qua sự chọn lựa của con người, thì cái mà người Việt Nam muốn truyền cho nhau vẫn là tình - nghĩa (hơn cả kinh nghiệm sản xuất). Tình - nghĩa ấy ở vùng đất vốn nhọc nhằn này như được cô nén hơn, thống thiết hơn.

Xin trời hãy nắng khoan mưa

Cho dâu xanh bãi, cho vưa lòng tằm

- Khi mô cho đến tháng mười.

Đọi cơm khúc cá vừa cười vừa ăn…

 

Với người yêu:

 

- Đã thương thì  thương cho chắc

Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu truông

Khi vui giỡn bóng,

Khi buồn bỏ  đi…

- Thương em răng được thì thương

Đừng trao gánh nặng trửa (giữa) đường tội em.

 

Theo các nhà nghiên cứu, nếu phân theo loại hình lao động thì xứ Nghệ có đến hơn 20 loại hát ví, nhưng nếu chia làn điệu theo tình cảm, hát ví cũng tương đối đa dạng như: ví thương, ví giận, ví ai oán, ví tình cảm... tức là con người có bao nhiêu cung bậc tình cảm thì có bấy nhiêu loại hát ví. Trong các cuộc hát ví thường hình thành hai nhóm nam và nữ, mỗi nhóm có thể là một nam, một nữ, nhưng cũng có thể nhiều hơn. Có đến hàng trăm câu ví lần lượt được đưa ra để thi thố, đối đáp và rồi những câu hát ấy được lớp thế hệ sau ghi nhớ bởi lời thơ vô cùng bình dị, dễ thuộc, nhưng cũng rất đỗi tài hoa.

 

Trong hát ví, thanh niên nam nữ đã vượt ra khỏi tầm tư tưởng phong kiến, họ từ làng này sang làng khác, từ vùng nọ qua vùng kia để tìm kiếm bạn hiền, chọn vợ, chọn chồng bằng quyền tự do của chính mình. Rõ ràng, họ đã lấy hát ví làm ngọn giáo để chống lại tư tưởng kìm kẹp, o ép của chế độ phong kiến bấy lâu. Xưa cũng thế mà nay cũng vậy, theo cách gọi tên trong dân gian thì hát ví Nghệ Tĩnh rất đa dạng và phong phú, nhưng dựa trên tính chất âm nhạc thì hát ví chỉ có một làn điệu. Khi câu hát cất lên ta nghe vừa dí dỏm lại vừa buồn man mác, hát cho người khác thì ít mà hát cho chính mình thì nhiều. Người nghệ sỹ nông dân đã gửi gắm vào trong những lời ca, câu hát biết bao tâm tư, tình cảm ấp ủ bấy lâu. Ta có thể coi hát ví là những bản tình ca của người lao động, nó gắn bó máu thịt và trở nên quá đỗi thân quen trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nghệ An.

Nguồn: website Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT