Lập hồ sơ những "báu vật nhân văn sống" về nhã nhạc, tuồng, múa cung đình ở Huế
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 20 nghệ nhân, nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật nhã nhạc, tuồng và múa cung đình đang sinh sống ở thành phố Huế và các vùng phụ cận. Hơn một năm qua, các cán bộ nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành nhiều cuộc điền dã, gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, những người vốn trước đây đã có thời gian phục vụ và làm việc trong cung dưới thời các vua cuối cùng của triều Nguyễn. Thông qua các hoạt động này, nhiều tư liệu quý về các loại hình nhã nhạc, tuồng và múa cung đình đã được thu thập. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã tập hợp, phân loại và xây dựng thành bộ hồ sơ khoa học. Đến thời điểm hiện tại, bộ hồ sơ khoa học trên đã thu được 250 trang viết, giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ và ký âm các bài bản do họ thể hiện, 22 băng ghi âm, mỗi băng 90 phút, 45 đĩa DVD, mỗi đĩa dài 20 phút với nội dung ghi lại các kỹ thuật trình tấu, những kỹ năng nghề nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ. Nghệ nhân Trần Kích là một trong những "báu vật nhân văn sống" còn lại của Huế, đã từng tham gia chơi nhạc cho cả đại nhạc, tiểu nhạc, nhạc tuồng Huế, nhạc Phật, nhạc múa cung đình, nhạc đệm cho ca Huế dưới triều Nguyễn. Ông chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ như nhị, nguyệt, tỳ, bầu, sáo... Hiện ông đã góp công nghiên cứu cách ký âm và ứng dụng vào việc ghi chép lại được 30 bài bản về đại nhạc và tiểu nhạc. Ông là một trong những nghệ nhân còn lại rất ít của bộ môn này hiện nay ở Huế.
Nhiều tổ chức nước ngoài cũng đầu tư góp sức giúp thành phố Huế bảo tồn nhã nhạc Huế (âm nhạc cung đình Việt Nam). Hàn Quốc giúp hỗ trợ chế tác nhạc cụ nhã nhạc Huế, bao gồm các loại bộ biên chung và biên khánh (tức giàn chuông đồng và khánh đá) - vốn là những loại nhạc cụ mà kỹ thuật chế tác và kỹ năng sử dụng vẫn còn tồn tại hiện nay tại Hàn Quốc. Dự kiến, bộ biên chung và biên khánh sẽ được chế tác xong vào cuối năm 2010 và được diễn tấu thử nghiệm trong dịp Lễ tế Xã tắc tổ chức vào đầu năm 2011, sau đó tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh để diễn tấu chính thức trong Lễ tế Nam Giao của Festival Huế 2012. Trước đó, Quỹ Tín thác Nhật Bản thông qua UNESCO tài trợ 154.900 USD để sưu tầm, biên soạn và phát huy nhã nhạc cung đình Huế, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân về bộ môn nghệ thuật này.
Việc lập hồ sơ khoa học các nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu về nhã nhạc, tuồng, múa cung đình ở Huế, ngoài mục đích gìn giữ lại cho thế hệ mai sau những ngón nghề, những bí quyết nghề nghiệp mà các nghệ nhân, nghệ sĩ hôm nay đang nắm giữ và còn là cơ sở để tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng hệ thống "báu vật nhân văn sống" về nhã nhạc, tuồng và múa cung đình sau này.