Hoạt động của ngành

Du lịch Lào Cai tự tin hội nhập

Cập nhật: 14/09/2010 14:30:58
Số lần đọc: 3072
Cách đây 19 năm, đến Lào Cai tìm không có chỗ nghỉ ngoài ngôi nhà khách cấp 4 của UBND tỉnh, nhà nghỉ Công đoàn Sa Pa, nhà nghỉ của Công ty Apatit Việt Nam… Nhờ tập trung đầu tư có trọng điểm, giờ đây, du lịch Lào Cai đã có những bước đột phá.

Các trung tâm du lịch đã hình thành rõ, như thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà... Năm 1992 - năm đầu tiên ngành du lịch được thành lập - Lào Cai mới chỉ đón được 8.000 lượt khách, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2009 đã có trên 700.000 lượt khách du lịch tới tham quan Lào Cai; doanh thu du lịch đạt 513 tỷ đồng (tăng gấp 395 lần so với năm 1992). Số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở lưu trú lên tới 2.000 người.

Cơ sở vật chất du lịch không ngừng tăng lên, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 328 cơ sở lưu trú, trong đó có 20 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên. Toàn tỉnh đã có hàng chục doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế. Chương trình du lịch “Về cội nguồn” 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ tổ chức luân phiên từ năm 2005 đến nay đã tạo được hình ảnh tốt đẹp để thu hút khách du lịch đến với 3 tỉnh. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh qua những biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); vùng Aquitanne (Cộng hòa Pháp), các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… Đó là những tín hiệu vui cho thấy bước phát triển của du lịch Lào Cai sau gần 20 năm tái lập tỉnh.

Mục tiêu sau năm 2010 ngành du lịch phấn đấu đón 820.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 700 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho 2.500 lao động; đón 1,5 triệu lượt khách trong năm 2015… Từ mục tiêu này, du lịch Lào Cai được định hướng theo phương châm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, dịch vụ, kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm được sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phải gắn liền với tổ chức quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đặc biệt trong điều kiện Lào Cai có cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu quốc gia, các lối mòn khác thông với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trong giai đoạn 2010 - 2020, hướng chiến lược phát triển du lịch Lào Cai là giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc, bảo đảm môi trường sinh thái để tập trung khai thác du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng, nhanh chóng tạo ra nhiều vùng, tuyến, điểm du lịch trọng điểm hấp dẫn khách. Hình thành từng bước các tuyến, điểm du lịch quốc tế nhằm thu hút được nhiều khách từ thị trường Tây Nam Trung Quốc, đặc biệt là các tuyến du lịch Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tiếp tục nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, kết nối tour du lịch cho khách du lịch Trung Quốc đi sâu vào các khu, điểm du lịch biển của Việt Nam, như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu... nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Tập trung nguồn vốn đầu tư từ chương trình hành động quốc gia về du lịch và của tỉnh để xây dựng các khu du lịch trọng điểm Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai và một số huyện khác, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng vật chất kỹ thuật hiện đại, giữ được cảnh quan môi trường,  bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước đưa Lào Cai trở thành một trung tâm thương mại - du lịch ở khu vực Tây Bắc.

Để thực hiện được những định hướng đó, Lào Cai cần khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Đó là, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh do vùng Aquitane – Cộng hoà Pháp giúp đỡ; tiếp tục quy hoạch chi tiết đô thị mở rộng khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà, coi trọng bảo vệ và phát triển rừng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và các di tích văn hoá lịch sử để tổ chức khai thác các loại hình du lịch sinh thái - văn hóa, cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch bao gồm các cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh, hướng dẫn viên và công nhân kỹ thuật lành nghề...

Mặt khác, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiềm năng của du lịch, đặc biệt là các sự kiện trong chương trình du lịch “Về cội nguồn” của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ; chú trọng đẩy mạnh hợp tác liên vùng (đặc biệt các tỉnh Tây Bắc mở rộng) để xây dựng chương trình du lịch khung và tạo sản phẩm du lịch đặc thù giữa các địa phương. Ngoài ra, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch, tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án du lịch tại Lào Cai, từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch…

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục