Bodh Gaya (Ấn Độ): Thành phố đất Phật
Tâm điểm thu hút khách hành hương ở Bodh Gaya là đền Mahabodhi (hay còn gọi là tháp Đại Giác). Đền cao 52m, bốn mặt được chạm trổ rất tinh vi. Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, vua Ashoka đã cho xây một đền thờ Phật tại đây. Đến thế kỷ thứ 7, các quốc vương triều đại Pala ở xứ Bengal xây lại với quy mô lớn hơn. Vào thế kỷ 12, ngôi đền bị phá hủy. Đến thế kỷ thứ 14, các quốc vương Miến Điện khi kéo quân vào đây đã khôi phục lại ngôi đền. Sau nhiều thế kỷ, đền Mahabodhi hứng chịu nhiều trận lụt lớn và bị chôn vùi dưới lớp bùn đất. Mãi đến giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học người Anh là Alexander Cunningham đứng ra chỉ đạo khai quật và trùng tu lại đền Mahabodhi như hiện nay.
Đền có 9 tầng xây theo hình chóp đứng. Cấu trúc chính nổi bật nhờ vào vòm tháp và trên nền tháp chính có tháp nhỏ ở bốn góc. Các hốc tường tháp đều được chạm khắc hình Phật và các hình tượng Bồ-tát, thần linh theo truyền thống Đại thừa.
Khuôn viên bên ngoài đền là một không gian rộng lớn mênh mông để hàng trăm nhà sư hội tụ về đây lạy Phật trong suốt nhiều tháng từ sáng sớm đến tận khuya. Một kiểu lạy thật lạ: mỗi vị có một tấm phản dài hơn 2m, rộng khoảng 1m, trên phản khoảng giữa ngực giáp bụng có một cái khăn hoặc một vuông vải vòng qua tấm phản, và có 2 cái khăn lót hai bàn tay để khi lạy xuống tránh ma sát giữa thân hình với tấm phản. Bởi kiểu lạy đó khiến tất cả thân hình phải nằm sát ván rất trang nghiêm, thành kính và thể hiện nghị lực của sự tu học.
Trước khi vào trong đền, du khách đến viếng một tảng đá to hình tròn đặt phía bên trái sân, trên mặt đá có hai dấu chân to – theo truyền thuyết của Đức Phật. Bước vào đền, mọi người xếp hàng để làm lễ trước pho tượng Phật Thích Ca mạ vàng đặt nơi chính điện. Tượng cao 2m, đặt trên một bệ đá cao 6m, với nét mặt thanh thản và một ngón tay chỉ xuống đất, mặt hướng về phía Đông.
Ra khỏi đền Mahabodhi, du khách đến cây bồ đề linh thiêng nằm cạnh đền. Cây bồ đề cành lá xanh tươi được bao bọc bởi một vòng tường thấp bằng đá. Dưới bóng mát cây bồ đề là một phiến đá sa thạch đỏ, có tên là “Vajrasana” - ngai vàng kim cương là nơi Đức Phật đã từng ngồi thiền và đắc đạo. Theo truyền thuyết, cây bồ đề này mọc lên đúng vào ngày thái tử Sidharta ra đời, đã nhiều lần bị chặt phá và mọc lại. Cây bồ đề hiện nay được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka - vốn là một nhánh của cây nguyên thủy được đưa sang trồng ở Sri Lanka từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Tuy chỉ là “hậu duệ” của cây bồ đề đầu tiên, nhưng cây này cũng đã là một đại thụ mấy trăm năm tuổi, gốc cây to khoảng 3-4 người ôm. Chung quanh cây bồ đề, khách hành hương ngồi chắp tay nghiêm trang. Một cơn gió thoảng qua, vài chiếc lá bồ đề rơi xuống, nhiều khách hành hương kính cẩn nhặt lên với niềm tin đó là phước lành của Phật ban cho.
Thành phố Bodh Gaya ngày nay thường được ví là một “Liên Hợp Quốc Phật tự” vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam... Một trong những ngôi chùa nổi bật nhất là chùa Nhật Bản. Các vị sư người Nhật đã xây dựng ngôi chùa cùng với tượng đức Phật Thích Ca ngồi, có chiều cao khoảng 20m, xung quanh là tượng mười vị đại đệ tử của đức Phật, có kích thước gần bằng người thật, mỗi vị mang một dáng vẻ và khuôn mặt khác nhau.
Gần đó là ngôi chùa do người Thái Lan xây dựng với mái cong vút, nhiều hoa văn chạm trổ rất công phu và được mạ vàng sáng chói trong ánh nắng. Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường. Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái khác nhau và ngôi chùa tại Bodh Gaya thuộc phái Kagyupa. Theo lời kể của người địa phương đây là công trình cúng dường của một ông vua dầu hỏa Trung Đông. Ông đã bỏ ra gần 2 triệu USD xây dựng để tạ ơn vị sư Tây Tạng đã chữa bệnh nan y cho mình. Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka... mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước. Ngôi chùa Việt Nam tại đây có tên Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Huyền Diệu, được khá nhiều Phật tử trong nước biết đến với biệt danh khiêm xưng “Người làm vườn kiêm quét chùa”, xây dựng và trụ trì.
Cách Bodh Gaya khoảng 200m về hướng Đông là một con sông cạn chạy dài dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam được người dân địa phương gọi là sông Lilajan, tức là sông Ni Liên Thiền (Niranjara). Chính phủ Ấn Độ đã bắc một cây cầu ngang sông này, du khách rất dễ dàng qua lại các khu Phật tích quanh vùng Bodh Gaya. Từ trên cầu có thể nhìn thấy được một số Phật tích như: chót tháp Đại Giác, núi tượng đầu - nơi đức Phật từng tu khổ hạnh... và sinh hoạt của toàn thể cư dân quanh vùng.
Chuyến hành hương sẽ đưa du khách tiếp tục đến thăm một Phật tích nổi tiếng khác là Na-Lan-Đà, được mệnh danh là “Viện Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới”. Na-Lan-Đà được xây dựng từ thế kỷ 5, nay tuy đã trở thành phế tích vì chỉ còn trơ lại các nền đá nhưng vẫn được chăm sóc chu đáo. Vào thời kỳ cực thịnh có đến 10.000 tì kheo đến tu học, trong đó có ngài Huyền Trang - một vị cao tăng đời Đường, nhân vật mẫu – gắn liền với tác phẩm văn học nổi tiếng “Tây Du Ký” vào năm 637 đã lưu lại đây 15 tháng để học đạo.