Hành trang lữ khách

Chợ đêm Dinh Cậu, Phú Quốc

Cập nhật: 22/09/2010 08:30:04
Số lần đọc: 2357
Chợ đêm Dinh Cậu, Phú Quốc, chiếm trọn chiều dài 200 m của đường Võ Thị Sáu bắt đầu từ đường Bạch Đằng và kết thúc tại ngã ba giáp đường Trần Hưng Đạo. Tại mỗi đầu chợ có cổng chào ghi dòng chữ “Chợ đêm Dinh Cậu”. Sở dĩ đặt tên chợ đêm Dinh Cậu là vì chợ chỉ cách Dinh Cậu khoảng 100m.

Nằm trong vịnh Thái Lan, phía Tây Nam Việt Nam, huyện Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, được ví như là một Việt Nam thu nhỏ bao gồm biển cả, sông, hồ, núi, đồng bằng, rừng rậm với 530 loại thực vật, 365 loài chim, 150 loài động vật quý hiếm... Những yếu tố trên tạo cho Phú Quốc một giang sơn cẩm tú, một thắng cảnh nên thơ, một điểm du lịch lý tưởng.

 

Đến Phú Quốc, ban ngày du khách thỏa thích vui đùa, tắm biển... trên những bãi biển như bãi Dương Đông, bãi Sao, bãi Khem, bãi Thơm, bãi Đại...; thăm viếng đền chùa như Dinh Cậu, chùa Muôn Sư, Sùng Hưng Cổ Tư...; tham quan bảo tàng Cội Nguồn, vườn hồ tiêu, nhà thùng nước mắm, làng chài Hàm Ninh, suối Đá Bàn, rừng nguyên sinh Phú Quốc chiếm diện tích trên 8.700 ha ở phía Bắc đảo...

 

Về đêm, chợ đêm Dinh Cậu là nơi thu hút đông du khách nhất. Chợ đêm Dinh Cậu chiếm trọn chiều dài 200 m của đường Võ Thị Sáu bắt đầu từ đường Bạch Đằng và kết thúc tại ngã ba giáp đường Trần Hưng Đạo. Tại mỗi đầu chợ có cổng chào ghi dòng chữ “Chợ đêm Dinh Cậu”. Sở dĩ đặt tên chợ đêm Dinh Cậu là vì chợ chỉ cách Dinh Cậu khoảng 100 m. Đó là một ngôi đền linh thiên được xây dựng trên một bãi đá nổi dài nhô ra biển. Theo truyền thuyết, người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới trên biển. Nhiều ngư dân ra khơi đánh bắt gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Bỗng một ngày nọ, từ dưới làn nước xanh thẳm bên bờ cát trắng nổi lên một ghềnh đá dài nhô ra biển. Cho rằng đây là điềm lành linh ứng, người dân trên đảo đã xây trên bãi đá ngôi đền thờ thần sông nước, cầu mong được che chở mỗi khi ra giữa sóng bạc bể khơi. “Cậu” được xem là vị thần có uy quyền trị vì sông nước, có thể cứu giúp tàu bè khi gặp sóng to gió lớn. Dinh Cậu có từ đó.  

 

Chợ đêm Dinh Cậu có trên 100 gian hàng trải dài hai bên vệ đường Võ Thị Sáu, trong đó độ 3/4 là các quầy hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, 1/4 còn lại là gian hàng ẩm thực. Các gian hàng được làm bằng khung sắt, mái che là những tấm bạt đủ màu sắc. Ban đêm dựng lên, ban ngày xếp lại gọn gàng sát lề đường trả lại sự thông thoáng cho xe lưu thông.   

 

Hầu hết khách đến đây quá nửa là du khách Việt Nam, còn lại là khách nước ngoài. Họ đến chợ là để dùng bữa tối với các món ăn chế biến từ đặc sản biển như cá bóp, cá mú, tôm, ốc, sò, cua, ghẹ... Với ưu thế vùng biển, nguồn cung hải sản dồi dào, các gian hàng ẩm thực tại đây bán toàn các món ăn đặc sản tươi roi rói hiếm có ở những nơi khác.

 

Từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào Võ Thị Sáu, du khách có thể nghe thấy mùi hải sản nướng tỏa khói thơm phức từ lò than đỏ rực đặt trước mỗi gian hàng. Cạnh lò là bàn trưng bày hải sản khá bắt mắt. Hầu hết khách đều ghé quan sát lò nướng, các loại hải sản trưng bày, hỏi giá và chọn món ăn ưng ý trước khi quyết định vào ngồi bàn ăn kê trên lề đường. Nếu khách không muốn ngồi bàn thì chủ quán sẽ cho thức ăn vào hộp để khách có thể vừa đi vừa ăn cho mau tiêu hóa..., nhưng chỉ vài thức ăn đơn giản thôi. Giá các món ăn khá bình dân. Thậm chí khách dùng chay cũng được phục vụ chu đáo bởi một gian hàng bán đồ chay! Thật ấn tượng khi được thưởng thức đĩa sò điệp nướng mỡ hành thơm phức hay mực tươi luộc chấm nước mắm Phú Quốc thứ thiệt, ốc biển luộc bốc khói, tô bánh canh chả cá Phú Quốc với những lát chả chiên vàng vừa mềm vừa dai, tô bún sóng sánh ánh vàng màu mỡ, đĩa ghẹ, tôm nướng nóng hổi bóc vỏ chấm muối tiêu chanh... Hàng đêm, chợ đêm Dinh Cậu thu hút hàng trăm khách đến ăn uống và mua sắm nhờ giá cả hợp lý và đặc biệt là trên môi người bán luôn nở nụ cười chào đón khách như hàm ý rằng “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” là phương châm phục vụ của chợ đêm.

 

Dùng xong bữa tối, du khách thả bách bộ đến các gian hàng lưu niệm với đủ loại đồ thủ công mỹ nghệ như dây chuyền bằng chuỗi ngọc, nhẫn ngọc trai, lược chải đầu, lắc đeo tay đồi mồi, các loại vỏ ốc, sò làm gạt tàn hay đồ đựng bút, thước... Sau những ngày nghỉ đầy lý thú trên đảo, hành lý du khách mang về chắc hẳn sẽ trĩu nặng quà lưu niệm và các đặc sản như khô cá thiều, nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu... mà khách mua về dùng trong gia đình hay làm quà tặng người thân.

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục