Hoạt động của ngành

An toàn lễ hội xuân là ưu tiên hàng đầu!

Cập nhật: 18/02/2022 05:31:06
Số lần đọc: 836
Thời điểm này, nhiều cơ sở đền, chùa, khu di tích lịch sử đã hoạt động trở lại, thu hút lượng lớn du khách thập phương. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.  


Từ lâu, dâng hương, lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống lâu đời trong văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Sau hơn hai năm đóng cửa vì dịch COVID-19, những ngày này, nhiều cơ sở thờ tự, khu di tích văn hóa lịch sử trên cả nước đã bắt đầu đón khách trở lại. Đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân; đồng thời, thực hiện hiệu quả các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) thu hút nhiều lượt khách tham quan, dâng hương. (Ảnh: NM)

Ghi nhận tại Hà Nội, nhiều đền, chùa và khu di tích nổi tiếng đã sẵn sàng mở cửa như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm); chùa Trấn Quốc, Vạn Niên, Tảo Sách (quận Tây Hồ)… Nhìn chung, công tác phòng dịch đã được các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý các cơ sở thực hiện nghiêm túc, đảm bảo văn minh, an toàn, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tại một số cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố có thể thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức phòng, chống dịch của người dân được thực hiện nghiêm túc, cơ bản như: đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế tại mỗi địa điểm đến tham quan. Bên cạnh đó, việc khử khuẩn không gian xung quanh đền, chùa luôn được các cơ sở chú trọng triển khai.

Với việc các cơ sở đền, chùa, khu di tích lịch sử hoạt động trở lại, nhiều người dân cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Vừa sắp xong mâm lễ, cô Phạm Lê Ngọc Linh, ở đường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Biết tin các đền, chùa được phép mở cửa, gia đình tôi đến Phủ Tây Hồ để lễ Phật, nguyện cầu cho một năm mới thêm thuận lợi, tài lộc và mạnh khỏe”.

Anh Bùi Tiến Hoàn, ở đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rất hào hứng khi đến thăm chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sau hơn hai năm đóng cửa phòng dịch. Đi chùa đầu năm là dịp để gia đình anh tận hưởng trọn vẹn sự yên bình, thanh tịnh, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới.

“Ngoài thực hiện đeo khẩu trang, khai báo y tế, tôi chủ động tiến hành các nghi lễ nhanh chóng và ngắn gọn để hạn chế thời gian tiếp xúc nơi đông người. Khi mỗi cá nhân tự giác chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch COVID-19 sẽ không chỉ bảo vệ cho chính bản thân, mà còn góp phần chung tay cùng toàn xã hội sớm đẩy lùi được dịch bệnh…”, anh Bùi Tiến Hoàn chia sẻ.

Lượng khách thập phương về chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới. (Ảnh: HH).

Được biết, bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố, căn cứ vào cấp độ dịch, năm nay, các đền, chùa, khu di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội sẽ không tổ chức các hoạt động văn hóa, phần hội, nhằm hạn chế tập trung đông người, mà chỉ dành không gian, thời gian cho nhân dân, du khách tham quan, vãn cảnh và chiêm bái. Đơn cử, thực hiện Văn bản số 346/UBND–KGVX của UBND thành phố Hà Nội, về việc cho phép tổ chức phục vụ đón khách về tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã chủ động xây dựng kế hoạch đón khách chính thức từ ngày 16/2.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn, cho biết, Ban Quản lý đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và di chuyển sao cho đảm bảo giãn cách. “Ban Quản lý di tích đã quán triệt tinh thần không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện kiểm soát lượng người dân đi lễ thông qua việc yêu cầu khách tham khai báo y tế bằng quét mã QR, hoặc tờ khai báo y tế. Cùng với đó, các nghi lễ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân cũng được thực hiện trang nghiêm, ngắn gọn, tiết kiệm, không tập trung đông người nhằm đảm bảo an toàn, an tâm cho nhân dân đi lễ đầu năm”, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết thêm.

Thực tế, không chỉ ở riêng các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà tại các khu di tích như chùa Tháp - đền Trần (tỉnh Nam Định); đền Cửa Ông - Cặp Tiên (tỉnh Quảng Ninh)… căn cứ vào mức độ dịch, công tác phòng, chống dịch đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, người đứng đầu các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc tổ chức phần hội và làm lây lan dịch bệnh…

Trước khi vào dâng hương, mọi người dân được đo thân nhiệt, và nhắc nhở tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và những quy định của địa phương. Các gian hàng trưng bày sản phẩm chuẩn bị sẵn sàng nước sát khuẩn, khẩu trang và mã code QR để công dân thực hiện khai báo lịch trình di chuyển, kịp thời phát hiện, xử lý khi xuất hiện trường hợp F0.

Có thể thấy, trong thời gian tới, nhu cầu du xuân, dâng hương cầu phúc của người dân sẽ tiếp tục tăng cao. Chính vì thế, các địa phương cần tập trung xây dựng kịch bản, quán triệt thực hiện công tác phòng, chống dịch và phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần tự giác nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng dịch COVID-19, từ đó, góp phần xây dựng nếp sống tinh thần văn minh, bảo tồn và phát triển nét đẹp truyền thống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc./.

Ngọc Mai

Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục