Ấn tượng phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ (Lai Châu)
Chợ phiên Sin Suối Hồ - một trong những điểm nhấn du lịch, hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Trong ảnh: Bà con lựa chọn trang phục truyền thống tại chợ.
Vượt qua những cung đường uốn lượn quanh co bên những cánh rừng bạt ngàn đang lên xanh tốt, chúng tôi đến bản văn hóa du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Ghé thăm chợ phiên Sin Suối Hồ, ấn tượng đầu tiên là không khí mua sắm ở chợ rất đông vui, nhộn nhịp. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản của núi rừng hay sản vật do bà con làm ra khá đa dạng, phong phú. Phía xa xa, từng tốp chàng trai, cô gái Mông trong trang phục truyền thống vẫn đang nhanh chân xuống chợ. Họ đi chợ không chỉ để mua bán mà còn là để đi chơi, đi hội, để được giao lưu, trò chuyện, gặp gỡ bạn bè... Chính những sắc thái đó đã tạo nên sức hút đối với khách du lịch khi đến đây thăm quan, nghỉ dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Hiền - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, lần đầu đi chợ Mông Sin Suối Hồ chúng tôi như bị cuốn hút bởi con người và cảnh đẹp nơi đây. Tôi rất thích nét đẹp bình dị mà khỏe khoắn; rực rỡ mà tinh tế trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách bán hàng của người dân ở đây. Họ rất thân thiện, hòa đồng, không chèo kéo, mặc cả, nụ cười luôn thường trực trên môi, tạo cho tôi cảm giác rất thoải mái. Chuyến đi này, tôi còn vui hơn khi lưu giữ được nhiều khoảng khắc đẹp về cảnh sắc cũng như nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Kỳ nghỉ tới, tôi sẽ rủ bạn bè lên Sin Suối Hồ để trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc nhưng rất đỗi thân thiện, mến khách của con người nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vàng A Vư - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, xây dựng chợ phiên tại xã là một trong những nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho bà con; giúp bà con xóa bỏ tư tưởng tự cung tự cấp, quen với cách buôn bán để tạo ra các sản phẩm nông sản mang tính hàng hóa. Cùng với đó, tạo điều kiện để người phụ nữ dân tộc Mông được ra ngoài, giao lưu, khẳng định vị trí của của mình trong gia đình và xã hội. Với quan điểm đó, ngay sau khi Sin Suối Hồ được công nhận bản văn hóa, xã đã quy hoạch chợ ngay trung tâm bản văn hóa. Ngày đầu chỉ có 5 đến 7 chiếc lán nhỏ, xã tiếp tục vận động bà con đóng góp tiền của, công sức để làm các gian hàng bằng gỗ kiên cố, mái lợp cỏ ranh. Chợ được họp vào sáng thứ 7 hàng tuần và 1 phiên chợ phụ vào ngày thứ 4, chủ yếu để đội văn nghệ luyện tập hát múa, phục vụ các ngày lễ tết hoặc giao lưu văn nghệ với các xã bạn. Đến nay, bà con đã mở rộng được hơn 70 gian hàng. Các gian hàng bày bán nhiều loại nông sản, quần áo, túi, mũ thổ cẩm của người Mông. Bên cạnh đó, còn có các loại đồ chơi làm bằng gỗ, tre nứa cho trẻ em, các dịch vụ ăn uống cũng phát triển, được bố trí hợp lý, thuận tiện cho cả người mua và người bán.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, chợ phiên Sin Suối Hồ đã và đang góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân nơi đây. Tại mỗi phiên chợ, các hộ kinh doanh thường thu về trên dưới 2 triệu đồng tiền lãi/gian hàng. Các hộ dân trong xã cũng tranh thủ đưa nông sản như: thảo quả, chè, hoa địa lan…(tùy từng mùa vụ) bán đổ cho các chủ gian hàng, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ. Xã cũng chưa thu phí chợ đối với các hộ kinh doanh mà chỉ tuyên truyền nhắc nhở bà con kinh doanh lành mạnh, đảm bảo giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc và các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Nét độc đáo của chợ phiên Sin Suối Hồ không chỉ là nơi mua bán những “đặc sản” của núi rừng vùng cao như măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp nương hay đơn giản là vài mớ rau rừng còn ướt đẫm sương đêm; mà còn có đủ các loại váy, áo, khăn… những sản phẩm thủ công do các bà, các mẹ tự tay thêu dệt. Du khách có thể mua một bộ trang phục dân tộc hoặc thuê để chụp ảnh lưu niệm; cũng có thể mua những chiếc khăn, túi, mũ được dệt bằng tay với nhiều màu sắc làm quà tặng. Đến chợ Sin Suối Hồ không mấy khi bắt gặp cảnh kỳ kèo ngã giá, bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang về cũng không bán đổ, bán tháo cho hết. Cách bán này cũng xuất phát từ chính phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào Mông.
Chị Vàng Thị Ly - hộ kinh doanh tại chợ Sin Suối Hồ cho biết, gần 4 năm nay, tôi bán các loại trang phục dân tộc Mông, cùng các phụ kiện đi kèm như: khăn, túi, mũ thổ cẩm... Mới đây tôi nhập thêm một số vật dụng sinh hoạt gia đình như: đèn pin, đồ chơi trẻ em bằng gỗ, tre do bà con trong bản làm. Mỗi phiên chợ gia đình tôi cũng thu lãi từ 1 đến 2 triệu đồng. Tôi thích đi chợ một phần vì tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, phần nữa là vì tôi được giao lưu với bạn bè, người thân và cả với du khách khi ghé thăm chợ.
Chợ phiên Sin Suối Hồ còn được biết đến là không gian văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc Mông, được đồng bào nơi đây gìn giữ và “trình diễn” tại mỗi phiên chợ. Điều đó thể hiện qua việc biểu diễn văn nghệ vào mỗi thứ tư hàng tuần. Thời điểm này, dù bận việc ngày mùa đồng áng hay lên nương bà con đều bố trí về chợ để giao lưu, thưởng thức những tiết mục hát, múa khèn, múa lá... do đội các văn nghệ xã thể hiện. Qua đó, từng bước khơi dậy bản sắc văn hóa, lòng tự tôn, tự hào dân tộc Mông.
Gần 12 giờ trưa, chợ phiên Sin Suối Hồ dần khép lại, tạm biệt những con người đôn hậu nơi đây, chúng tôi ra về ai nấy đều đầy ắp niềm vui. Và chúng tôi tin, phiên chợ ấy về sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách về không gian văn hóa chợ truyền thống vùng cao mỗi khi có dịp ghé thăm Sin Suối Hồ.