Hoạt động của ngành

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng lòng gỡ khó cho du lịch

Cập nhật: 21/06/2021 09:10:30
Số lần đọc: 806
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xem xét hỗ trợ doanh nghiệp (DN) du lịch bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngày 16/6, Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành tìm giải pháp gỡ khó cho ngành du lịch. Tại cuộc họp, nhiều kiến nghị về giảm giá điện, ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, hỗ trợ vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, cơ cấu lại nợ vay… cho DN du lịch được các sở, ngành giải đáp cặn kẽ.  


Hơn 90% cơ sở lưu trú đã tạm ngưng hoạt động trong tháng 6. Trong ảnh: Seaside Resort thông báo tạm dừng hoạt động từ tháng 5.

Khánh sạn, resort đóng cửa

Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh chia sẻ, 3 lần dịch bùng phát trước, một số resort, khách sạn sát biển, khuôn viên biệt lập xa dân cư trên địa bàn vẫn đón khách gia đình từ TP. Hồ Chí Minh về nghỉ dưỡng tránh dịch. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4 đến nay diễn biến phức tạp và lan rộng tại TP. Hồ Chí Minh - thị trường chính của du lịch BR-VT, như một cú “knock out” với du lịch BR-VT. Các DN lưu trú, lữ hành, nhà hàng thiệt hại nặng nề chưa từng có.

Thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn vài khách sạn có khách chuyên gia nước ngoài lưu trú dài hạn hoặc phân khúc 4-5 sao mở cửa để duy trì chất lượng hạng sao, còn lại hơn 90% cơ sở lưu trú, DN lữ hành đã đóng cửa. Ngành du lịch gần như tê liệt, DN điêu đứng, không có doanh thu… nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí: trả lương cho lao động, duy tu bảo dưỡng, lãi ngân hàng, tiền thuê đất, thuê mặt bằng, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước…

Hơn 98% DN du lịch trên địa bàn quy mô vừa và nhỏ. Trong tháng 5, HHDL đã tổ chức khảo sát nắm tình hình DN hội viên. “Qua khảo sát ghi nhận, dù không có doanh thu nhưng nhiều DN vẫn ráng cầm cự giữ nguyên số lao động, duy trì mức lương cam kết. Song sang tháng 6, tất cả đã đuối sức. Hiện nay, khối DN hội viên chỉ còn vài DN trả lương 8 ngày công/tháng, còn lại đều cho người lao động nghỉ không lương”, ông Linh cho hay.

Nhằm giúp các DN giảm bớt khó khăn do dịch COVID-19, HHDL kiến nghị giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch và gia hạn nộp chậm các loại thuế đến hết năm 2021 cho DN du lịch; hỗ trợ 50% số tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (không tính lãi suất) để DN tập trung tài chính làm mới dịch vụ, khôi phục kinh doanh sau dịch bệnh; giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian trả nợ đến hạn, cho vay với mức lãi suất ưu đãi; giãn thời gian nộp BHXH cho người lao động đến hết năm 2021; có chính sách hỗ trợ thu nhập cho lao động ngành du lịch bị mất việc do DN tạm ngưng hoạt động; áp dụng giá điện sản xuất và tiếp tục giảm giá điện trong năm 2021 cho DN du lịch; hỗ trợ dòng tiền để trả lương 50% lương tối thiểu vùng cho người lao động với lãi suất 0%; ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho lao động ngành du lịch.

Đại diện HHDL tỉnh khảo sát tình hình hoạt động, nắm bắt khó khăn của Lan Rừng Resort Phước Hải giữa tháng 5.

Chung sức hỗ trợ doanh nghiệp 

Ngày 16/6, Sở Du lịch đã chủ trì cuộc họp với đại diện nhiều sở, ngành liên quan nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến trình UBND tỉnh. Tại cuộc họp, các sở, ngành đã giải đáp cụ thể từng kiến nghị trên quan điểm tập trung hết sức gỡ khó giúp ngành du lịch vượt đại dịch.

Theo bà Lê Thị Bích Thương, đại diện Sở Y tế, Sở đã triển khai thông báo nhu cầu tiêm vắc xin đến các sở, ngành, hội, DN toàn tỉnh. Ở khối du lịch, Sở Du lịch làm đầu mối thống kê số lượng gửi về Sở Y tế để tổng hợp nhu cầu, đặt hàng sớm nhất có thể.

Về việc giảm giá điện, ông Trình Trí Dũng, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực BR-VT thông tin, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất giảm giá điện cho khách hàng là cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo khung giá điện của ngành sản xuất, thời gian áp dụng từ tháng 6 đến hết năm 2021. “Qua 3 đợt bùng phát dịch COVID-19 trong năm 2020, chỉ có hơn 200 cơ sở lưu trú được giảm tiền điện. Khi nộp thủ tục để được hưởng ưu đãi, nhiều hộ kinh doanh không chứng minh được cơ sở lưu trú du lịch theo Luật Du lịch. Đây là điều đáng tiếc. Tôi đề nghị Sở Du lịch đẩy mạnh thông báo các hướng dẫn của ngành điện đến khối cơ sở lưu trú hơn nữa”, ông Dũng nói.

Đối với chính sách thuế, cơ cấu nợ vay, tất cả đều thực hiện theo chính sách chung áp dụng trên cả nước. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh BR-VT cho hay, các tổ chức tín dụng đang triển khai nhiều gói cho vay, gia hạn, cơ cấu nợ… hỗ trợ khách hàng trong dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi tất cả chương trình hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh để thông qua Sở Du lịch phổ biến đến DN du lịch.

Về đề xuất hỗ trợ dòng tiền để DN du lịch duy trì bộ máy vận hành, giữ chân người lao động, trả 50% lương tối thiểu vùng cho người lao động với lãi suất 0%, đại diện Sở Tài chính cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định vì sử dụng vốn ngân sách phải được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương.

Theo thống kê của Sở Du lịch, trong tháng 5, BR-VT đón 100.967 lượt khách, giảm 39,32% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 69.692 lượt, giảm 26,59% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 348 tỷ đồng, giảm 18,16% so với tháng cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: Minh Hương

 

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cùng chuyên mục