Hoạt động của ngành

Bà Rịa - Vũng Tàu: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 13/08/2021 15:36:54
Số lần đọc: 890
Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch. Du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế trụ cột cần tập trung phát triển.


Du khách chơi teambuilding tại Bãi Sau tháng 10/2020. Ảnh: Minh Hương

Giàu tiềm năng

Được thiên nhiên ưu đãi, BR-VT có nhiều sinh cảnh kỳ thú như tuyệt tác. Những tuyệt tác thiên nhiên tạo ra từ hơn 50 ngọn núi, quả đồi, trải dài đến sát biển. Thiên nhiên ưu đãi cho BR-VT hơn hết là bờ biển dài hơn 300km với hơn 150km có bãi cát thoai thoải.

Thiên nhiên cũng bày sẵn những tuyệt tác cho BR-VT những cánh rừng nguyên sinh, đặc biệt phải nhắc đến 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và vườn Quốc gia Côn Đảo. Riêng vườn Quốc gia Côn Đảo là ramsar thế giới thứ 6 của Việt Nam và là ramsar đầu tiên nằm biệt lập giữa biển khơi.

BR-VT còn có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng độc đáo. Dấu tích nơi địa đầu vẫn còn lưu giữ qua nhiều ngôi chùa, đình đền, miếu thờ. Ghi dấu lịch sử vùng đất, nhiều công trình kiến trúc ở BR-VT cũng có sức hút rất lớn bởi sự đa dạng, nét độc đáo, tính quy mô mà tiêu biểu là kiến trúc tôn giáo.

Bãi Đầm Trầu (huyện Côn Đảo) lọt vào top bãi biển đẹp nhất thế giới do Travel + Leisure (tạp chí du lịch có trụ sở ở New York, Mỹ) bình chọn tháng 4/2021.

Không chỉ sở hữu những bãi biển đẹp tầm thế giới, BR-VT còn sở hữu nhiều di sản văn hóa, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nhiều năm qua, lượt khách du lịch đến với tỉnh BR-VT đang dần tăng lên. Sự chuyển mình bứt phá của du lịch BR-VT được minh chứng bằng những con số ấn tượng như: BR-VT có trên 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Một số dự án mới đã đưa vào khai thác kinh doanh góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Hồ Tràm Trip, Imperial, Pullman, Malibu, Melia Hồ Tràm, Marina Bay Vung Tau, Oceanami, khách sạn CAO… Những khu nghỉ dưỡng, khách sạn nằm gần biển với lối kiến trúc sang trọng và chất lượng phục vụ tốt đã để lại ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách cả trong và ngoài nước. Nhờ nhiều công trình lớn, sản phẩm mới, từ năm 2015-2020, lượng khách có lưu trú tăng bình quân 7,39%/năm; khách quốc tế có lưu trú tăng bình quân 0,68%/năm. Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tới nhiều ngành khác. Diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa của người dân ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện rõ rệt.

Phát triển bền vững

Phát triển nhanh ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là phấn đấu đưa doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,81%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,4%/năm. Những giải pháp mang tính đột phá cho ngành du lịch cũng được xác định, đó là tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch trải nghiệm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách du lịch quốc tế. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao... Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: "BR-VT đã và đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đắk Lắk… Theo ghi nhận, việc liên kết du lịch với các tỉnh, thành bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, khi lượng khách từ các tỉnh liên kết du lịch đang đổ về BR-VT khá đông vào dịp cuối tuần, thậm chí gần đây còn diễn ra tình trạng "quá tải".

Du khách tập dưỡng sinh trên biển trong kỳ nghỉ dưỡng tại The Imperial Hotel tháng 3/2021. Ảnh: Đăng Khoa

Trên thực tế cho thấy, du lịch BR-VT muốn tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách không chỉ bắt nguồn từ những lợi thế của thiên nhiên mà còn phải quan tâm các hoạt động du lịch liên tục được tổ chức, đem đến những ấn tượng đặc biệt. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đặt ra thì ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là chú trọng bảo vệ môi trường. BR-VT cũng phải kêu gọi được các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tâm, có tầm để làm sao phát triển được du lịch nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên, giữ được nét độc đáo của văn hóa địa phương”, bà Hiền cho biết thêm./.

Minh Hà

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cùng chuyên mục