Hoạt động của ngành

Bắc Giang: Du lịch trải nghiệm tại thị xã Chũ - Nhiều điểm hút khách

Cập nhật: 15/05/2025 14:07:50
Số lần đọc: 36
Với lợi thế là vùng trồng cây ăn quả lớn của cả nước, nổi tiếng với những vườn đồi vải thiều, cam, bưởi sum suê trái ngọt, thị xã Chũ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Dự báo vụ vải thiều năm nay được mùa, hiện chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp lữ hành, nhà vườn đã chủ động xây dựng các chương trình, tour, tuyến đưa, đón khách về tham quan, trải nghiệm.


Doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng đón khách

Dù mới thành lập từ tháng 7/2024 song điểm du lịch Windy hills Homestay, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển dịch vụ Homesmart (tổ dân phố Cầu Đền, phường Thanh Hải) quản lý đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây, doanh nghiệp xây dựng hệ thống dịch vụ vui chơi hấp dẫn. Ưu điểm của khu vực này là nằm trên đồi cao, xung quanh bạt ngàn vải thiều được bà con chăm sóc theo quy trình VietGAP bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điểm du lịch Windy hills Homestay chuẩn bị các điều kiện đón khách du lịch.

Với vé vào vườn 20 nghìn đồng/trẻ em, 40 nghìn đồng/người lớn, du khách được tham quan vườn vải rộng lớn, vào mùa thu hoạch sẽ được trải nghiệm hoạt động thu hái quả; tắm bể bơi; thưởng thức các món ăn truyền thống của người dân địa phương. Đặc biệt, tại đây có bố trí các phòng nghỉ dành cho gia đình hoặc cộng đồng với sức chứa 30-45 người/đêm.

Bà Trương Thị Hạnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển dịch vụ Homesmart cho biết: “Có những ngày doanh nghiệp đón 200-300 khách đến tham quan; doanh thu đạt khoảng 70- 80 triệu đồng/tháng. Thời điểm này, doanh nghiệp đã được nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên… liên hệ đặt điểm ăn, nghỉ cho khách trong mùa vải chín. Chúng tôi đã thuê thêm nhân viên phục vụ, xây dựng một số điểm check in, tổ chức hoạt động trải nghiệm mới hấp dẫn để phục vụ du khách”.

Bà Trần Thị Nhung, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thị xã Chũ cho biết, cùng với vườn cây ăn quả, thị xã còn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Đền Khánh Vân, đền Hả, chùa Am Vãi; các hồ Khuôn Thần, Bầu Lầy với nhiều cảnh đẹp hoang sơ, hấp dẫn… tạo nên sự đa dạng và phong phú cho các sản phẩm du lịch. Phát huy lợi thế đó, chính quyền địa phương đã quan tâm xúc tiến tiêu thụ nông sản gắn với du lịch trải nghiệm. Các tour du lịch mùa quả chín được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Từ năm 2023-2024, hoạt động du lịch tại huyện Lục Ngạn (cũ) phát triển và tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đến tham quan quanh năm. Mỗi năm, địa phương đón từ 650 - 700 nghìn lượt khách, tăng 400-450 nghìn lượt so với năm 2022. Doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt từ 80-90 tỷ đồng. Sau khi chia tách địa giới hành chính huyện Lục Ngạn (cũ), các hoạt động du lịch của thị xã Chũ tiếp tục được duy trì, phát triển. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã thu hút khoảng 170 nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm, khám phá văn hóa, thiên nhiên, vùng đất, con người; ước doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng; dự báo lượng khách về thị xã tiếp tục tăng trong mùa vải chín tới.

Du khách chèo thuyền trên hồ Bầu Tiên, xã Quý Sơn (thị xã Chũ).

Được biết, thị xã Chũ có hơn 7,1 nghìn ha vải thiều, năm nay vụ vải hứa hẹn được mùa. Hiện công tác chuẩn bị cho mùa du lịch vải thiều đang được chính quyền và người dân, doanh nghiệp triển khai gấp rút.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã, để thu hút du khách về địa phương thời gian tới, UBND thị xã đang tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và kích cầu phát triển du lịch năm 2025 với nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức các chương trình du lịch theo mùa (mùa hoa vải, mùa vải chín, mùa cam, bưởi), trong đó từ tháng 5 đến tháng 7 sẽ tập trung kết nối các đơn vị lữ hành tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm, thu hoạch vải thiều. Cùng đó tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, xúc tiến du lịch do tỉnh, các sở, ngành tổ chức.

Từ đầu năm đến nay, thị xã Chũ đã thu hút khoảng 170 nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm, khám phá văn hóa, thiên nhiên, vùng đất, con người nơi đây; ước doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng; dự báo lượng khách tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Bám sát chỉ đạo của thị xã, các cơ quan chuyên môn đang khảo sát, xây dựng danh sách các hợp tác xã, nhà vườn đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, hệ thống giao thông thuận lợi; chủ cơ sở thân thiện, mến khách... để xây dựng điểm, tour du lịch. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ nhà vườn, hợp tác xã, cơ sở lưu trú kỹ năng làm du lịch trải nghiệm; cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tốt với du khách.

Nghiên cứu tổ chức một số giải thể thao (chạy marathon, bóng đá, pickleball); tổ chức tọa đàm, hội thi, hội diễn gắn với vùng cây ăn quả; phối hợp với cơ quan báo chí xây dựng các video, clip, hình ảnh... để góp phần quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh quê hương thị xã Chũ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác hiệu quả các ứng dụng trên trang mạng xã hội (Youtube, Fanpage, Google Maps, Zalo), tin nhắn dịch vụ SMS, tạo lập các mã QR chứa thông tin cơ bản về các điểm du lịch của thị xã dán ở các địa điểm du lịch, nhà hàng, nhà nghỉ, phương tiện giao thông công cộng giúp du khách tra cứu thông tin nhanh chóng, thuận tiện. Các khu, điểm du lịch đông người tham quan cũng sẽ được nâng cấp hạ tầng mạng internet, phủ sóng wifi. Thị xã sẽ hỗ trợ một số thiết bị, băng zôn tuyên truyền, biển chỉ dẫn... cho các nhà vườn, hợp tác xã.

Cùng với chính quyền địa phương, các hợp tác xã, tổ dịch vụ du lịch cũng chủ động thiết kế chương trình, tạo nét riêng có trong sản phẩm du lịch của đơn vị gửi về Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Phòng Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, bổ sung, góp ý, hình thành các tour du lịch hiệu quả. Hiện thị xã có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực du lịch; khoảng 30 cơ sở lưu trú cùng nhiều nhà hàng, quán cà phê...

Một số đơn vị đã xây dựng xong chương trình tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh, thi hái vải, tạo hình bằng trái vải; tổ chức team building tại vườn (bao gồm các hoạt động vui chơi, trải nghiệm và ăn nghỉ tại nhà vườn); chế biến món ăn, nước uống từ vải. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ kết hợp giới thiệu thông tin về vùng đất, con người và sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn: Báo Bắc Giang - baobacgiang.vn - Đăng ngày 15/5/2025

Cùng chuyên mục