Non nước Việt Nam

Bắc Kạn: Giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với phát triển du lịch

Cập nhật: 08/06/2023 15:04:40
Số lần đọc: 570
Giữ gìn kiến trúc nhà ở truyền thống để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch đang được UBND tỉnh quan tâm, tích cực chỉ đạo thực hiện.


Theo báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, kiến trúc nhà ở truyền thống của một số dân tộc như Mông, Dao, Hoa đa phần không còn được lưu giữ; kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay (Sán Chỉ) còn lưu giữ được khá nhiều.

Hình ảnh nhà sàn ở Bắc Kạn mang những nét đặc trưng, truyền thống

Theo kết quả kiểm kê, đánh giá, trên địa bàn tỉnh hiện còn 9.294 công trình kiến trúc nhà ở truyền thống; trong đó, nhà sàn 8.681 nhà, nhà trình tường dân tộc Dao 8 nhà, nhà đất dân tộc Tày 605 nhà. Nhìn chung, tại các địa phương vẫn còn lưu giữ được những ngôi nhà ở truyền thống của dân tộc mình, tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa cũng như sự phát triển của từng địa phương cũng có những thay đổi về kiến trúc nhà ở để phù hợp với môi trường, kinh tế..., như:

Về kiến trúc cột: Trước đây cột nhà làm bằng gỗ thì nay thay đổi bằng cột bê tông ...

Về kiến trúc mái: Từ mái ngói âm dương, mái lá cọ thay bằng mái fibro xi măng, mái ngói xi măng, tôn lạnh...

Kiến trúc bên trong ngôi nhà: Bếp lửa được di chuyển sang khu bếp sát với ngôi nhà hoặc bên cạnh (phần trái của cuối ngôi nhà) để đảm bảo không gian, mỹ quan và vệ sinh hơn...

Ngoài ra, bà con ở một số địa phương đã tu sửa hoặc xây dựng mới các ngôi nhà của mình khang trang, sạch đẹp và rộng rãi hơn nhưng vẫn dựa trên kiến trúc truyền thống.

Qua khảo sát thực tế, một số địa bàn các huyện trong tỉnh còn lưu giữ được kiến trúc truyền thống, được bố trí khá tập trung, cảnh quan thiên nhiên khá đẹp, giao thông tương đối thuận tiện, có thể nghiên cứu tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm để gắn với phát triển du lịch như: Thôn Hợp Tiến, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn; thôn Nà SLải, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể; Bản Vèn, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì; thôn Bản Cào, xã Côn Minh và thôn Nà Tuồng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì; thôn Khuổi Cưởm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; thôn Khau Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm; thôn Khuôn Bang, xã Như cố, huyện Chợ Mới; thôn 2 Khau Cưởm, xã Sỹ Bình, huyên Bạch Thông…

Tuy nhiên, ở một số địa phương, mặc dù còn lưu giữ được kiến trúc truyền thống nhưng giao thông đi lại còn khó khăn, không gian bên trong ngôi nhà còn bố trí lộn xộn, bên cạnh hoặc dưới gầm sàn còn chăn thả gia súc bừa bãi gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường và không còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình...

Để bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời phát huy giá trị, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương, UBND tỉnh mới đây đã có Công văn số 3319/UBND-GTXNXD giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương. Hướng dẫn địa phương thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kiến trúc nhà truyền thống trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, dựng mới các ngôi nhà truyền thống dân tộc (khi xây dựng mới, có thể thay thế một số vật liệu phù hợp) hoặc tu sửa, cải tạo lại ngôi nhà đang lưu giữ nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện Đề tài “Giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” khi được đưa vào danh mục thực hiện. Rà soát, đề xuất các địa danh để ban hành hướng dẫn quản lý tạm thời về kiến trúc, cảnh quan, việc xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ đối với các địa danh, vị trí các thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn; tăng cường kiểm tra; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch, mục tiêu là bảo vệ cảnh quan, xây dựng kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống kết hợp phát triển du lịch; huy động nguồn lực để bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc nhà ở truyền thống của các dân tộc trên địa bàn gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương.

Trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã, có các giải pháp quy hoạch hài hoà với không gian khu vực, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng lợi thế, kết hợp phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng; lồng ghép các yếu tố kiến trúc cảnh quan nông thôn trong đồ án quy hoạch. Nghiên cứu, đánh giá và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn quản lý./.

Bích Huệ

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn - backan.gov.vn - Đăng ngày 01/6/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT