Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Đưa văn hóa truyền thống người Pa Hy vào khai thác du lịch

Cập nhật: 08/06/2023 13:58:02
Số lần đọc: 582
Bên tiếng nước suối chảy, những điệu múa, tiếng cồng chiêng, tiếng khèn… vang lên, hòa thành bản âm thanh như muốn giữ chân du khách ở lại lâu hơn với Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế


Những điệu múa làm tăng sức hút cho Phong Mỹ

Chiêu đãi "món mới"

Lần thứ hai đến với điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu (Hầm Heo), xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, thật bất ngờ khi chúng tôi được đón tiếp bằng những điệu múa, tiếng cồng chiêng, tiếng khèn đặc trưng do những người đồng bào dân tộc Pa Hy của bản Khe Trăn biểu diễn.

Điểm du lịch thượng nguồn Ô Lâu được biết đến đã nhiều năm. Tuy nhiên, thu hút được nhiều khách thì khoảng 2-3 năm trở lại, khi được công nhận là điểm du lịch, có dịch vụ và cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện.

Cả nhóm bạn chọn nơi đây làm điểm vui chơi cuối tuần vì nhiều người chưa có dịp trải nghiệm. Ai cũng có sự đồng điệu với văn hóa truyền thống, nên khi đến và được chào đón bằng văn hóa truyền thống của người Pa Hy thì những mệt mỏi trên con đường di chuyển từ TP. Huế đến suối hơn 50km gần như tan biến.

Quang Lộc - một thành viên trong nhóm, khá ngạc nhiên vì không ngờ ở Phong Điền mà cũng có đồng bào dân tộc sinh sống. Độc đáo hơn khi không chỉ phục vụ các món ăn tại các sạp, mà còn múa hát để phục vụ du khách. Đến đây, không chỉ để vui chơi, tắm suối mà còn được tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Thật là trải nghiệm độc đáo mà trước đó cả nhóm ít hình dung.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ tự tin khoe, thời gian qua, huyện, xã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, UBND huyện Phong Điền, xã triển khai và sưu tầm phục dựng lại các lễ hội văn hóa đồng bào dân tộc Pa Hy tại bản Khe Trăn, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, gắn với phát triển du lịch tại điểm du lịch thượng nguồn Ô Lâu.

Là người quản lý trực tiếp đội văn nghệ cộng đồng, ông Nguyễn Viết Thắng, Trưởng bản Khe Trăn chia sẻ, biểu diễn văn nghệ, văn hóa truyền thống là hoạt động mới được đưa vào khai thác từ đầu mùa du lịch suối thác năm nay. Đội văn nghệ có 26 người, đặc trưng là biểu diễn các điệu múa truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, khèn, trống... Bước đầu đội biểu diễn mang tính phục vụ, trong thời gian đến sẽ tổ chức các đêm diễn giao lưu văn hóa với du khách.

Bảo tồn và phát huy

Thượng nguồn Ô Lâu có nhiều khe suối, thác nước vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, thích hợp cho du khách đến để cắm trại, khám phá núi rừng và nghỉ mát dịp cuối tuần. Năm 2022 đã có hơn 12.000 lượt du khách đến nơi đây, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Trong mùa du lịch năm 2023, có 20 hộ đồng bào dân tộc với 60 sạp đăng ký tham gia khai thác điểm, kết hợp với triển khai nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Điểm du lịch đặt quyết tâm thu hút gấp 2-3 lần lượng khách năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Chung cho biết thêm, nhằm tiếp tục khai thác điểm du lịch sinh thái thượng nguồn Ô Lâu trong mùa du lịch năm 2023, xã sẽ tổ chức tốt hơn các hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ; cũng như nâng cao kỹ năng đội ngũ làm du lịch địa phương; đặc biệt là ưu tiên đưa văn hóa truyền thống vào khai thác du lịch.

Được biết, mới đây đồng bào dân tộc Pa Hy, bản Khe Trăn vui mừng được đón nhận bộ nhạc cụ cồng chiêng do nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Huy trao tặng. Trong tiếng cồng chiêng vang vọng bên dòng suối mát, nhiếp ảnh gia Nguyễn Khoa Huy mong muốn, với những hiện vật này sẽ góp phần với người dân gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Hy; để mỗi du khách khi đến với Phong Điền nói chung và Phong Mỹ nói riêng sẽ mang những ấn tượng đẹp về một vùng đất anh hùng, cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa đa dạng.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đánh giá, hiện nay, tại một số điểm du lịch trên địa bàn huyện A Lưới, hay Nam Đông, việc đưa các loại hình văn hóa truyền thống của người đồng bào, ẩm thực vào khai thác đã giúp tăng sức hút. Với điểm du lịch thượng nguồn sông Ô Lâu, đặc trưng nơi đây là có người Pa Hy, với những nét văn hóa có sự khác biệt. Khi bảo tồn, phát huy và tạo sinh kế cho người dân, điểm du lịch sẽ được biết đến nhiều hơn, tiến đến mở rộng thêm nhiều đối tượng khách.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 06/06/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT