Bắc Kạn: Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi An toàn khu Chợ Đồn
Di tích Bản Ca (xã Bình Trung), nơi Bác Hồ ở và làm việc vào năm 1947.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích hơn 16 nghìn ha, là diện tích toàn bộ 3 xã Lương Bằng, Bình Trung, Nghĩa Tá. Quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích 135 ha, bao gồm toàn bộ diện tích 19 ha khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của ATK.
Diện tích khu vực dự kiến mở rộng là 116 ha, bao gồm diện tích mở rộng khu vực bảo vệ, khu vực cảnh quan thiên nhiên, bản, làng của đồng bào dân tộc.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch được chia thành 17 khu vực. Trong đó, xã Lương Bằng có di tích Nà Pậu, nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ 1950-1951; di tích đồi Khau Mạ nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ từ 1950-1951.
Xã Nghĩa Tá có Di tích Khuổi Linh, nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng từ 1950-1951; cụm di tích Pù Cọ, Bản Bẳng, lán ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; di tích Khuổi Thít, nơi tổ chức triển lãm biểu dương lực lượng Đồng Minh trước năm 1945; di tích Khuổi Đăm, nơi ở, làm việc của Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) từ 1948-1953; Di tích Khuổi Đó, nơi ở, làm việc của cơ quan khí Thăng Long từ 1948-1950; Di tích Nà Chang, nơi đặt khu Giao tế (nhà khách Chính phủ) từ 1948-1953.
Ngoài ra còn có các di tích ở thôn Nà Kiến, gồm: Nà Pay, nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ năm 1945, Nà Kiến, nơi bế giảng khóa 2 và 3, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào năm 1947.
Xã Bình Trung có cụm Di tích Bản Ca, gồm: nơi ở, làm việc của Bác Hồ, nền lán nơi Bác Hồ ở, tảng đá khắc chữ, nơi Bác Hồ tắm giặt, đền thờ gắn với lễ hội dân tộc Dao; cụm Di tích đồi bản Tảng, gồm: nơi ở, làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái, nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nơi ở và làm việc của Bộ Quốc phòng; Di tích Khuổi Dân nơi đặt nhà máy giấy Minh Khai.
Cùng với đó là cụm Di tích Nà Quân, gồm: nơi ở, làm việc của Bác Hồ tại Khuổi Tói, nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nà Săm, nơi đặt Hội trường Trung ương Đảng tại Nà Quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; di tích nền lán Chuyên gia tại Nà Quân; Di tích Khuổi Chang, nơi ở và làm việc của Bác Hồ; di tích Khuổi Áng nơi ở và làm việc của Báo Cứu quốc; Di tích Nà Đon, nơi ở và làm việc của cơ quan Hậu cần, Bộ Quốc phòng.
Tại quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan liên quan nghiên cứu lập quy hoạch giá trị lịch sử, văn hóa của toàn bộ các di tích thành phần trong ATK; các giá trị phi vật thể; mối liên hệ để kết nối du lịch...
Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa các định hướng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thành phần, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016. Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, trở thành điểm hành hương về nguồn, điểm tham quan văn hóa-lịch sử hấp dẫn.
Được biết, trong thời gian qua, dù là “địa chỉ đỏ” nhưng do thiếu kinh phí, chưa có quy hoạch đồng bộ nên so với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) hay Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Chợ Đồn còn ít người biết tới. Đời sống của đại bộ phận nhân dân trong ATK Chợ Đồn còn khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa phát triển.
Với việc được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, trong tương lai gần, ATK Chợ Đồn sẽ có những đổi thay, có nguồn lực đầu tư, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của những di tích cách mạng nơi đây.
Tuấn Sơn