Hoạt động của ngành

Bạc Liêu: 5 năm thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch tại các địa phương: Còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn

Cập nhật: 12/09/2024 14:48:38
Số lần đọc: 545
Huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng vào phát triển du lịch, nhiều sản phẩm mới được trình làng, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư giúp kết nối du khách với điểm đến… là những điểm sáng của các địa phương sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XV) về đẩy mạnh phát triển du lịch (gọi tắt là NQ 11). Mặc dù thành quả đó đã làm tươi mới bức tranh du lịch của tỉnh Bạc Liêu, song phải thừa nhận rằng du lịch ở các huyện, thị xã vẫn còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn.


Du khách trải nghiệm bắt nghêu tại Hợp tác xã Đồng Tiến

Thừa lượng, thiếu chất 

Cách đây 5 năm, NQ 11 ra đời tiếp tục vạch ra nhiều định hướng phát triển không gian du lịch, trong đó chú trọng khai thác sản phẩm du lịch đặc thù tại các địa phương trong tỉnh. Để du lịch trở thành một trong những trụ cột phát triển, các huyện đã tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và người dân về mục tiêu, tầm quan trọng của Nghị quyết này.

Phát huy lợi thế là địa bàn giáp biển và sự đa dạng về nông nghiệp, huyện Hòa Bình đã vận động người dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái, kinh doanh ẩm thực, xây dựng các khu vui chơi, giải trí và các hoạt động trải nghiệm đời sống, văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác mô hình tham quan điện gió gắn với du lịch sinh thái biển, rừng phòng hộ ven biển. Hiện, Hòa Bình đã hình thành một số điểm đến khá hút khách như: Điện gió Hòa Bình 1, Nông trại Tôm Khỏe, Khu du lịch sinh thái Hương Rừng, Hội quán Làng Tôi…

Từ sự trợ lực của NQ 11, du lịch Bạc Liêu từ thành thị đến các huyện nông thôn đã hình thành nhiều điểm đến, mở ra nhiều cung đường cho du khách. Dẫu vậy, sản phẩm của các địa phương đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng thừa lượng, thiếu chất. Nguyên nhân là nhiều dự án đang được triển khai với tiến độ chậm chạp, doanh nghiệp và người dân chưa được tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ để đầu tư nâng chất sản phẩm. Bên cạnh đó, sự tương đồng giữa các điểm đến, sự kết nối rời rạc giữa các điểm đến trong huyện, giữa TP. Bạc Liêu với các huyện, khả năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế… làm cho du lịch thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp.

Tuyến đường đê biển dẫn đến các điểm du lịch của huyện Hòa Bình xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của xe khách 45 chỗ ngồi. Ảnh: H.T

Khơi thông những điểm nghẽn 

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển du lịch của các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Đông Hải… là hạ tầng giao thông yếu kém. Nhiều tuyến đường có bề mặt nhỏ hẹp, xuống cấp, tải trọng thấp nên xe có trọng tải lớn không thể di chuyển đến. Từ đó, tạo nên tình trạng chia cắt du khách với điểm đến, khó thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm.

Ông Huỳnh Mừng Em - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), than thở: “Từ năm 2022, Hợp tác xã ngoài sản xuất nghêu đã đầu tư mô hình du lịch sinh thái, với các dịch vụ kinh doanh ẩm thực biển, cho du khách trải nghiệm thu hoạch nghêu trên bãi bồi ven biển. Mặc dù mô hình có quy mô vừa phải nhưng chứng tỏ sự nỗ lực của Hợp tác xã trong việc đồng hành cùng địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, tuyến đường Nhà Mát - Vĩnh Thịnh chỉ cho phép xe có trọng tải nhỏ đi lại, còn những đoàn khách đi xe 45 chỗ ngồi thì không thể đến nơi, trong khi đây là nguồn khách có số lượng người và doanh thu nhiều. Vì vậy, rất mong tỉnh quan tâm đầu tư tuyến đường này để khơi thông điểm nghẽn hạ tầng giao thông”.

Một khó khăn mà các doanh nghiệp, người dân làm du lịch gặp phải hiện nay là công tác quảng bá du lich do sự trùng màu giữa các điểm đến. UBND các huyện đề nghị Sở VHTTDL hỗ trợ định hướng phát triển thương hiệu du lịch theo hướng đặc thù. Ngoài ra, rất mong các đơn vị viễn thông giúp xây dựng cổng thông tin du lịch, trong đó giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bằng hình ảnh 3D, quét mã QR truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP để mang đến những trải nghiệm, dịch vụ tiện ích cho du khách.

NQ 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sắp về đích chặng thứ nhất vào 2025. Nghĩa là thời gian để hoàn thành những mục tiêu đặt ra là không còn nhiều, do đó rất cần sự quyết tâm cao, sự vào cuộc mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Hữu Thọ

Nguồn: Báo Bạc Liêu - baobaclieu.vn - Đăng ngày 11/9/2024

Cùng chuyên mục