Hoạt động của ngành

Khánh Hòa: Phát huy giá trị bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn

Cập nhật: 11/09/2024 16:04:04
Số lần đọc: 536
Bộ đàn đá Khánh Sơn - bảo vật quốc gia, là “hồn cốt của người Raglai”, được tỉnh Khánh Hòa quyết tâm bảo tồn, khôi phục, để cho tiếng đàn đá vang vọng mãi.


Bảo vật hơn 2.500 năm tuổi

Thăm Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, anh Đoàn Đức - du khách từ TP. Huế cho hay “cảm thấy đầy hứng khởi” khi được nghe nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn. “Ở thang âm cao, âm thanh đàn đá thánh thót như tiếng chim hót trong rừng sâu vang vọng. Còn ở thang âm trầm, âm vang như khúc du dương của dòng thác đổ giữa núi rừng”, anh Đức nhận xét.

Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa là bảo vật quốc gia, trở về sau hành trình “xa quê” hơn 40 năm để các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thẩm định. Vào cuối tháng 3/2023, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao 2 bộ đàn đá Khánh Sơn để tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.

Tỉnh Khánh Hòa giới thiệu bộ đàn đá Khánh Sơn A và B, hồi tháng 3/2023. Ảnh: Đức Thảo

Theo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, bộ đàn đá được gia đình ông Bo Bo Ren (người dân tộc Raglai) tìm thấy ở núi Dốc Gạo, huyện Khánh Sơn và bàn giao cho chính quyền địa phương vào năm 1979. Sau đó, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã tiếp nhận bộ đàn đá để khảo sát, thẩm định. Qua đó, các nhà âm nhạc và khảo cổ đã xác định bộ đàn đá có niên đại cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm, được chế tác từ đá Rhyolite porphire - một loại đá có nhiều ở vùng núi Khánh Hòa, Đắk Lắk.

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đàn đá Khánh Sơn là bộ phận nhạc khí loại “thanh” bằng đá, được kết hợp thành một bộ nhạc khí tổng hợp nhiều thanh theo một thang âm cố định, gồm 12 thanh (ký hiệu từ A1 đến A6 và B1 đến B6) và có thể chia ra làm 2 bộ, mỗi bộ gồm 6 thanh; điều đặc biệt là 2 bộ này khi ráp lại thì tương thích thang âm của một bộ đàn đá lớn 12 thanh “cũng là đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam”.

Việc phát hiện ra đàn đá có chất liệu đá Rhyolite porphyre chỉ có ở khu vực cực nam Trung Bộ, Việt Nam; nếu tính cả các bộ bị mất và bị vỡ thì đã tìm thấy 6 bộ đàn đá, tổng số là 45 thanh đá. Trong khi đó, các nước có chất liệu đá tương tự như đàn đá Khánh Sơn vẫn chưa phát hiện được bộ đàn đá nào. “Điều này cho phép khẳng định bộ đàn đá Khánh Sơn là độc bản và được chế tác tại bản địa; là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật”, Cục Di sản văn hóa thông tin.

Trong lễ công bố phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn (năm 1979), Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Hiếu cũng nhấn mạnh rằng: “Việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn đã tạo ra một tiếng vang lớn cả ở trong nước và quốc tế,... Bộ nhạc khí này không giống bất cứ một nhạc khí bằng đá nào mà khoa học phân tích, giải phẫu học đã biết. Do đó, ngành nghiên cứu lịch sử nhạc khí có một tài liệu quý báu, cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc học chưa hề nghiên cứu đến”.

Trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính độc bản, độc đáo có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, lịch sử âm nhạc học, sưu tập đàn đá Khánh Sơn (gồm 12 hiện vật) tỉnh Khánh Hòa đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đợt 12).

Sưu tập đàn đá Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Để tiếng đàn đá vang vọng mãi

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ này để du khách đến đây thoải mái tham quan tìm hiểu. Những dịp lễ đều có kế hoạch biểu diễn đàn đá để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Do cấu tạo của chất liệu chế tác, âm thanh đàn đá Khánh Sơn sống động, vừa vui nhộn lại trầm lắng, đến nay có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cùng các đàn đá khác, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca, một số tiết mục kết hợp giữa đàn đá với múa và vũ kịch múa,…

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn bày tỏ, người Raglai ở Khánh Sơn xem đàn đá như là một bảo vật, đàn đá được gõ, đánh cùng với các bộ cồng, chiêng, mã la hay chapi khi tổ chức cúng bái, lễ hội. Trong đời thường, người ta treo những miếng đá hay thanh đá bên suối, thác và nhờ sức nước gõ vào nhau nghe vui tai nơi rừng thẳm, cảm tạ thần linh, đồng thời xua đuổi thú rừng bảo vệ nương rẫy, mùa màng,... “Đàn đá Khánh Sơn được biết đến là bảo vật cổ xưa, là hồn cốt của người Raglai”, ông Dũng nói, để giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của loại nhạc cụ cổ này, huyện Khánh Sơn đang quyết tâm bảo tồn, khôi phục, cho tiếng đàn đá vang vọng mãi.

Người dân trải nghiệm nhạc cụ đàn đá Khánh Sơn tại lễ hội ở huyện Khánh Sơn, tháng 8/2024. Ảnh: Đức Thảo

Trước đó, toàn huyện Khánh Sơn có 2 bộ đàn đá dùng để biểu diễn, một bộ tại Phòng Truyền thống huyện, còn một bộ do xã Sơn Hiệp quản lý. Năm 2020, huyện Khánh Sơn đã cho chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn; mỗi bộ gồm 14 thanh có chất âm kêu vang, có thể biểu diễn độc tấu và hòa tấu. Thời gian qua, huyện Khánh Sơn cũng đã tổ chức các lớp truyền dạy đánh đàn đá.

Ông Dũng cho biết, từ nay đến năm 2030, huyện sẽ tăng cường thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, trong đó có tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ như đàn đá; xây dựng Nhà Trưng bày huyện Khánh Sơn để trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa nhằm phát huy tốt sản phẩm du lịch của địa phương và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai. Duy trì tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ đàn đá,... Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng các loại hình văn hóa truyền thống vào trong sinh hoạt cộng đồng.

Đức Thảo

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 10/09/2024

Cùng chuyên mục