Non nước Việt Nam

Bắc Ninh: Hiến tặng hiện vật pháo Đồng Kỵ để trưng bày tại bảo tàng

Cập nhật: 29/03/2023 09:23:42
Số lần đọc: 331
Ông Dương Đức Sinh - Bí thư phường Đồng Kỵ cho biết: “Ngày nay dân làng Đồng Kỵ tận dụng thế mạnh từ nghề gỗ truyền thống, kết hợp với những nghệ nhân thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và khối óc của mình tạo ra những quả pháo mang đậm bản sắc của Đồng Kỵ”.

Ngày 28/3, UBND phường Đồng Kỵ đã tổ chức Lễ bàn giao hiện vật pháo Đồng Kỵ - mô hình di sản văn hóa phi vật thể tại Bảo tàng TP Từ Sơn, Bắc Ninh.

Ông Dương Đức Sinh – Bí thư phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) phát biểu tại lễ bàn giao.

Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Dương Đức Sinh – Bí thư phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, hội pháo thể hiện sự đoàn kết, với tinh thần Thượng võ của người dân Đồng Kỵ. Tương truyền, lễ hội này có từ thời Hùng Vương thứ VI và bắt nguồn từ việc Tướng Thiên Cương về làng chiêu quân giúp vua Hùng đánh giặc. Khi thắng giặc, Thiên cương dẫn đoàn quân thắng trận trở về và được dân làng mở hội khao quân.

“Với những nét đặc sắc truyền thống văn hóa đó, ngày nay dân làng Đồng Kỵ có nghề truyền thống đồ gỗ lâu đời đã tận dụng thế mạnh của mình, những nghệ nhân đã thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và khối óc của mình tạo ra những quả pháo mang đậm bản sắc của Đồng Kỵ, đã để lại dấu ấn của lịch sử, là nét đẹp truyền thống, là một phần di sản của quốc gia cần được bảo tồn và phát huy. Lễ hội pháo cũng đã được công nhân là lễ hội phi vật thể của quốc gia” - ông Sinh nói.

Lãnh đạo UBND TP Từ Sơn, phường Đồng Kỵ tổ chức bàn giao hiện vật pháo Đồng Kỵ cho Bảo tàng TP Từ Sơn, Bắc Ninh.

Tương truyền đúng 9 giờ ngày Mùng 4 Tết là lễ rước pháo ra đình để hội quân, hai quả pháo được rước quanh làng. Xưa kia, làng Đồng Kỵ có hội thi làm pháo, đốt pháo để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc (vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng).

Hàng năm, làng Đồng Kỵ sẽ chọn 4 người bước sang tuổi 50 ở mỗi giáp, làm 4 vị tướng xuất quân đánh giặc (gọi là Quan Đám). Mỗi vị tướng có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra những quả pháo từ nhỏ đến to, quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5m, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể dài đến 15m, hình quả pháo là hình trụ tròn, đường kính có thể lên tới hơn 1m.

Đặc biệt, mỗi vị Quan đám khăn đóng giả gái mua vui cho mọi người. Vị quan đám nào được giữ đứng lâu nhất sẽ là người chiến thắng. Tiêu chuẩn lựa chọn 4 ông quan đám: Người 51 tuổi, gia đình văn hóa, con cái thành đạt.

Hai quả pháo trong lễ rước quanh làng được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, dài 6m với đường kính hơn 60 cm. Thân pháo được chạm trổ hình Long – Lân – Quy – Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Đồng Kỵ đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Trong đó đặc biệt chú trọng tới khâu giới thiệu về một loại hình di sản vô cùng độc đáo của quê hương Đồng Kỵ - Từ Sơn - Bắc Ninh.

“Lễ trao tặng hiện vật pháo truyền thống rất có ý nghĩa cho Bảo tàng TP Từ Sơn. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Đồng Kỵ, góp phần kịp thời tuyên truyền và giới thiệu về một lễ hội truyền thống lúa nước sông Hồng, với mong muốn lễ hội pháo làng Đồng Kỵ tiếp tục được trường tồn và tỏa sáng, để lớp lớp cháu tự hào truyền thống hào hùng của cha ông, dân tộc” - ông Cường nhấn mạnh./.

Tiến Dũng - Văn Giang

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 28/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT