Non nước Việt Nam

Để nghệ thuật Tuồng không bị mai một

Cập nhật: 23/03/2023 11:20:44
Số lần đọc: 462
Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Tuồng gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận công chúng, đặc biệt là với giới trẻ. Các nhà hát, những người quản lý cũng đang nỗ lực tìm cho nghệ thuật Tuồng một "cánh cửa" mới nhằm thu hút khán giả góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đất Việt.

Thay đổi từ cách tiếp cận đến biểu diễn

Loại hình nghệ thuật nào cũng thế, cũng có những giai đoạn thăng trầm khác nhau, vậy phải làm sao có thể thu hút được khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết: "Nghệ thuật Tuồng đã tồn tại hàng ngàn năm lịch sử, hội tụ giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của người Việt nên chúng ta không thể thay đổi theo cách cơ học mà phải thay đổi từ cách tiếp cận với khán giả. Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta phải đổi mới trong đó có những yếu tố thời đại, của khoa học kỹ thuật nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt của dân tộc, giữ được niềm tự hào của cha ông ta, của người dân Việt Nam.

Ngày hôm nay, chúng ta không thể sử dụng cách tiếp cận với khán giả như ngày xưa là chỉ có biểu diễn cho khán giả xem mà phải đưa ra những cách tiếp cận khoa học, phải làm công tác truyền thông quảng bá hội tụ những cái mới của xã hội phát triển. Trong những năm gần đây, cách tiếp cận với khán giả của Nhà hát Tuồng cũng đã có nhiều thay đổi, công việc quảng bá được chúng tôi đặt lên hàng đầu, chúng tôi có một phòng tổ chức biểu diễn và có nhân lực phụ trách giỏi về ngoại ngữ để không chỉ tiếp cận được với khán giả Việt mà còn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác tiếp cận với khán giả quốc tế".

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn đánh giá cao về sự sáng tạo trong cách tiếp cận với khán giả của nhóm bạn trẻ. Theo ông, trong lúc nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn về đời sống, về khán giả, các bạn trẻ Trường Ca kịch viện đã làm tốt công việc lan tỏa cần thiết cho sân khấu Việt Nam, đó là điều rất đáng quý, là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật Tuồng khi có được các bạn trẻ say mê và luôn ý thức được việc phải bảo tồn nó.

Theo NSND Ánh Dương cho biết: "Nghệ thuật Tuồng hiện nay vừa phải giữ gìn nhưng cũng phải kế thừa phát triển, nói về truyền thống chúng ta không thể bỏ được nhưng chúng ta cần phải thay đổi về phong cách biểu diễn, cần phải có những vở diễn mới, văn phong gần gũi mang tính chất Tuồng hiện đại khi nói về lịch sử, công lao của các vị vua có công với đất nước để đưa gần hơn với khán giả. Tuồng mang tính chất tổng hợp nên đôi lúc khán giả xem một vở Tuồng sẽ cảm thấy rất mệt, nên chúng ta có thể thay đổi phong cách biểu diễn nhẹ nhàng hơn để người xem không cảm thấy mệt mỏi.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể sáng tạo Tuồng với những phong cách hiện đại phù hợp với giới trẻ hiện nay. Tôi đã từng tham gia thực hiện dự án "Sơn hậu - Beyond the mountain" với các bạn trẻ tôi thật sự rất bất ngờ về sự sáng tạo đó. Và tôi nhận thấy được khi xem khán giả, đặc biệt các bạn trẻ rất thích. Sự kết hợp giữa các cổ và cái mới hòa quyện vào với nhau đem đến một vở diễn mới mẻ, chất lượng nghệ thuật tốt, từ đó giúp cho khán giả trẻ cảm nhận nhanh hơn vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống. Tôi cho rằng đây là hướng đi rất tốt cho nghệ thuật Tuồng hiện nay khi đang trên con đường có nguy cơ bị mai một".

Vở Tuồng "Nữ tướng Lê Chân" tại Nhà hát Tuồng Việt Nam

Đồng quan điểm đó, NSND Minh Gái cho rằng: "Để tạo sức hút lâu dài với công chúng, cần kết hợp biểu diễn tại các không gian văn hóa di sản khác nhau. Ví dụ như vở tuồng "Sơn hậu", nếu chỉ đặt trong một nhà hát tuồng thì rất bình thường. Nhưng nếu đặt trong những không gian mới khác nhau thì đó chính là sự sáng tạo, tạo ra giá trị mới để mọi người được thưởng thức nhiều hơn. Nếu chúng ta quảng bá được nghệ thuật tuồng như vậy sẽ thu hút được nhiều khán giả trong và ngoài nước, giúp khán giả cảm nhận được sự gần gũi và vẻ đẹp của nghệ thuật Tuồng".

Tạo ra những chương trình mang hơi thở thời đại

Không chỉ thay đổi về cách tiếp cận, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã nỗ lực tạo ra các chương trình phù hợp dành cho khán giả trẻ. Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: "Mong muốn các bạn trẻ sẽ yêu và tự hào về giá trị văn hóa của cha ông để lại, chúng tôi đã tổ chức chương trình biểu diễn giới thiệu với khán giả trẻ, các bạn sẽ có điều kiện đến với nghệ thuật, hiểu được nghệ thuật, tiếp cận nghệ thuật với một cách hoàn toàn mới như: Chương trình tương tác nghệ thuật với khán giả thông qua tìm hiểu những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật Tuồng; Tìm hiểu cách hóa trang và phục trang của các nghệ sĩ, nội dung của các vở diễn,… Từ đó, khán giả sẽ hiểu được và cảm nhận được cái hay, vẻ đẹp của Tuồng ở đâu.

Đồng thời, cũng giống như mọi năm, năm nay, nhà hát vẫn tiếp tục thực hiện chương trình đưa nghệ thuật Tuồng đến với trường học, chúng tôi đã tạo ra các vở diễn phù hợp với tâm sinh lý của các em học sinh, những vở diễn gắn liền với khóa học ngoại khoá. Từ khi thực hiện cho đến nay, tôi nhận thấy được sự quan tâm hết sức đặc biệt từ phía các trường học, dần dần họ đã mong muốn tạo ra được các hoạt động để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận với nghệ thuật truyền thống, có thể trở thành những buổi học ngoại khoá, tiết học… Đây là điều kiện tốt cho Tuồng khi vừa thu hút được khán giả vừa thu hút được tài năng để đào tạo cho nhà hát".

Ảnh minh hoạ: Đưa nghệ thuật Tuồng đến trường học

Thu hút được khán giả đã khó, nhưng để đào tạo tìm ra lớp nghệ sĩ kế cận lại càng khó hơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh PSG.TS Nguyễn Đình Thi cho biết: "Nếu diễn viên Chèo vẫn còn nguồn thi sính đăng kí dự thi vào trình độ đại học thì diễn viên Tuồng 10 năm trở lại đây không có nguồn tuyển đối với trình độ đại học. Trước thực trạng đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành đặc thù, năm 2016-2017 đã phê duyệt cho đề án là đào tạo diễn viên trình độ trung cấp cho 3 nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương và dành rất nhiều chế độ ưu đãi cho các em như: không mất học phí, được bố trí chỗ ở miễn phí, được xác định đầu ra nơi làm việc.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp với các nhà hát xuống các địa phương để tuyển sinh cho hệ trung cấp, cố gắng phát hiện ra các tài năng để đưa về đào tạo. Tuy nhiên sau phát hiện được tài năng đưa các em về trường thì gia đình không đồng ý nữa vì họ cũng quan tâm sau này con em học xong, nghề ấy có đảm bảo được cuộc sống hay không. Nỗ lực từ phía nhà trường, nhà hát rất lớn nhưng để giải quyết các khó khăn, thách thức trong đào tạo ngành truyền thống nói chung, diễn viên Tuồng nói riêng thì cần phải có sự phối hợp rất đồng bộ cả về cơ chế đặc thù cho nghệ sĩ. Nếu không có cơ chế thu hút được nguồn nhân lực ấy sau khi được đào tạo sẽ rất khó để giữ được các em tham gia vào nghệ thuật".

PSG.TS Nguyễn Đình Thi chia sẻ thêm: "Nghệ thuật truyền thống các nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn nhưng họ đã đầu tư cho các đơn vị đào tạo có chất lượng và uy tín rất lớn nhưng không dàn trải, họ lựa chọn các cơ sở đào tạo có uy tín để đầu tư một cách đầy đủ và thích đáng để cơ sở đó giới thiệu những tinh hoa, tinh túy của các thể loại nghệ thuật truyền thống. Và ở đó tập trung những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước, những người nghệ sĩ không cần phải đi làm bên ngoài vẫn đảm bảo được cuộc sống".

Ngoài ra, bản thân những người nghệ sĩ cũng cần phải nỗ lực thay đổi, tìm tòi và sáng tạo xây dựng các tiết mục, mang hơi thở cuộc sống đương đại để tiếp cận được với nhiều khán giả hơn. Hoặc có thể kết hợp với những nghệ sĩ trẻ để tạo ra được nhiều sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị yếu của khán giả, và trong những năm qua, ở Việt Nam đã có những nghệ sĩ trẻ làm rất tốt việc đó" - PSG.TS Nguyễn Đình Thi cho biết./.

Thương Nguyễn

 

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 23/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT