Non nước Việt Nam

Về làng Chăm H’roi ở Krông Pa - Gia Lai

Cập nhật: 17/03/2023 14:35:28
Số lần đọc: 608
Buôn Ma Giai ở xã Đất Bằng có lẽ là ngôi làng có đông người Chăm H’roi định cư nhất của huyện Krông Pa nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung. Về thăm buôn, hỏi chuyện người già, chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về một thời đã qua trong lịch sử.


Tôi tìm đến nhà ông La O Loan thì trời vừa sẩm tối. Đã bước vào cái tuổi 101 nhưng trông ông vẫn còn rất khỏe. Ông cho biết: Năm ngoái, ông đã tổ chức lễ cúng lớn nhân dịp được nhận quà mừng thọ của Chủ tịch nước. Từng là chiến sĩ vệ quốc thời chống Pháp, trong những năm tháng chống Mỹ, ông là cán bộ Kinh tài của huyện rồi Công an xã. Chỉ tiếc là đôi tai đã hơi nặng nên đôi lúc phải nhờ người con trai cả - ông La O Khởi, năm nay cũng đã 73 tuổi - kể thay.

Theo dòng lịch sử, từ thế kỷ thứ III, người Chăm Pa đã ngược dòng sông Ba thâm nhập lên vùng đất cao nguyên. Tuy nhiên, đến quãng năm 1149 trở đi, dưới triều Vua Jaya Harivarman I, người Chăm mới xâm nhập lên cao nguyên một cách mạnh mẽ. Vị vua này sau khi đánh bại các cuộc kháng cự của cư dân bản địa đã chiếm một vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, phía Bắc đến tận Kon Tum, phía Nam đến miền Bắc tỉnh Đắk Lắk. Trong khoảng hơn 300 năm cho đến khi triệt thoái khỏi cao nguyên, người Chăm không những để lại trên các vùng đất này nhiều đền đài, chùa tháp cùng những ảnh hưởng về văn hóa, phong tục mà còn hòa huyết với cư dân bản địa sinh ra người Chăm H’roi.

Chăm H’roi, theo giải nghĩa của ông La O Khởi: “Chăm” là người Chăm Pa, “H’roi” là mặt trời mọc, tức người Chăm ở phía mặt trời mọc. Không ai biết buôn Ma Giai đã có từ bao giờ nhưng đến nay đã qua 2 lần mang tên người lập làng. Trước năm 1945 gọi là làng Ma Yú và từ năm 1972 trở lại đây là Ma Giai. Thời chống Mỹ, làng chỉ có chừng 60 hộ, nằm trong vùng căn cứ cách mạng. Sau năm 1975, làng mới dời ra nơi ở hiện tại với 150 hộ dân.

Ông La O Loan (bìa phải) và con trai. Ảnh: Ngọc Tấn

Lịch sử ghi nhận, tuy chiếm đất cao nguyên nhưng người Chăm vẫn tôn trọng phong tục, tập quán của dân bản địa. Chính người Chăm đã dạy cư dân bản địa cách thuần voi, luyện kim thuộc, có nơi còn dạy cách làm ruộng, dẫn thủy nhập điền. Chính bởi lẽ đó mà người bản địa nhiều nơi đã tiếp nhận văn hóa Chăm một cách tự giác. Ngược lại, người Chăm cũng tiếp thu và ảnh hưởng của nhiều tập tục văn hóa - xã hội của người dân bản địa. Với buôn Ma Giai, sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa Chăm-Jrai đã thể hiện rõ trong đời sống cộng đồng ở đây.

Về họ, so với người Jrai có tới 10 họ thì người Chăm H’roi ở đây chỉ có 8. Ngoài các họ giống người Jrai là Rơ Ô, Rơ Chăm, Rơ Lan, Ra Lan và Kpah, người Chăm H’roi có các họ Le O, Le Mo, Xô. Theo ông La O Khởi, 2 họ La O và Le Mo thực ra từ họ Rơ Ô mà ra. Ngôn ngữ của người Chăm H’roi tuy có pha ngôn ngữ Chăm nhưng về cơ bản giống người Jrai, có thể thông hiểu một cách dễ dàng.

Nói về phong tục tập quán, người Chăm H’roi cũng có tục chôn chung; lễ thức tang ma cơ bản giống người Jrai nhưng phong cách nhà mồ có khác. Nhà mồ của người Chăm H’roi xưa mộ người chết được ghép bằng gỗ thành hình khối rất đẹp. Người Chăm H’roi cũng theo mẫu hệ, con mang họ mẹ nhưng thể thức hôn nhân có một vài nét khác biệt người Jrai. Nếu người Jrai, con trai phải ở rể gần như trọn đời ở nhà vợ thì người Chăm H’roi lại có quy ước mỗi cặp vợ chồng phải luân phiên ở với cha mẹ hai bên một quãng thời gian bằng nhau (thường là 2 năm).

Hệ thống lễ hội của người Chăm H’roi cũng có lễ mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả. Trong các sinh hoạt văn hóa này, nét khác biệt nhất của người Chăm H’roi với người Jrai là xoang và dàn nhạc cụ. Xoang của Người Chăm H’roi cơ bản khác người Jrai về nhịp điệu. Dàn nhạc cụ của người Chăm H’roi thường dùng trống đôi, cồng 3, chiêng 5. Chiêng Arap chỉ dùng trong lễ bỏ mả. Trống ở đây là trống Ghi-năng và Paranưng của người Chăm. Ông La O Loan chính là người chế tác loại trống này cho làng. Ông La O Khởi cho biết: Năm 1984, ông đã từng mang đội xoang cùng dàn nhạc cụ đi hội diễn và rất được hoan nghênh.

Trải qua biến thiên lịch sử, so với người Chăm H’roi ở Phú Yên hay Bình Định, người Chăm H’roi ở buôn Ma Giai có sự ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa của người Jrai. Sự giao thoa này cũng là điều tất yếu khi người dân nơi đây đã trải hàng bao đời sinh sống bên nhau. Tuy nhiên, với những gì còn lưu giữ cũng là sự góp phần đáng quý cho sự đa dạng, giàu bản sắc của văn hóa Gia Lai.

Ngọc Tấn

Nguồn: Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 16/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT