Non nước Việt Nam

Phát huy giá trị di sản Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ (Hà Nội)

Cập nhật: 16/03/2023 10:32:26
Số lần đọc: 496
Ngày 15-3, tại di tích đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ”. Tọa đàm nhằm nhận diện, làm rõ giá trị di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, từ đó đề xuất giải pháp trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nhất là trong bối cảnh di sản chịu tác động mạnh mẽ từ quá trình đô thị hóa.

Đền Đồng Cổ.

Lịch sử gần 1.000 năm

Đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) được xây dựng vào thời Lý (năm 1028), là nơi thờ thần Đồng Cổ có công phò giúp vua Lý Thái Tông và gắn liền với Hội thề trung hiếu. Hội thề bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông và được duy trì ở thời Trần, Lê. Ngày nay, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ được tổ chức vào dịp Lễ hội truyền thống làng Đông Xã (từ mùng 3 đến 4 tháng 4 âm lịch). Lễ hội Đồng Cổ gắn với tục thờ trống đồng - biểu hiện sức mạnh vật chất tinh thần cổ truyền của dân tộc, thể hiện tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.

Chia sẻ về tục thờ trống đồng - một tín ngưỡng của người dân Việt cổ còn lưu lại ở đền Đồng Cổ, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, trống đồng không chỉ là một loại nhạc khí bình thường mà còn là một loại tế khí linh thiêng, đại diện cho mô hình vũ trụ của người Việt cổ và là biểu tượng quyền lực của triều đại Hùng Vương. Còn theo PGS.TS - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, trống đồng chính là trục nối trời và đất, nối các vị thần với con người. Vì thế, ai nắm được trống đồng là nắm được quyền thông linh. Nhà Lý đã đặt yếu tố linh thiêng này vào việc thờ thần Đồng Cổ - vị thần bảo vệ trống đồng cùng với lời thề trung hiếu để ổn định xã hội, phát triển đất nước. Trải qua các triều đại trong lịch sử, từ thời Lý đến thời Trần Lê và thời đại Hồ Chí Minh đến nay, lời thề này vẫn còn nguyên giá trị.

Khẳng định những giá trị của di tích đền Đồng Cổ cùng với Hội thề trung hiếu, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Di tích đền Đồng Cổ là một di tích rất hiếm, hiện chỉ có ở Thanh Hóa và Hà Nội. Di tích này gắn với những nhân vật lịch sử, sự kiện và con người có thật. Đặc biệt, giá trị tâm linh và tinh thần nhân văn của lễ hội được duy trì, tiếp nối đến ngày nay và được sử sách ghi chép lại một cách đầy đủ. Vì vậy, việc gìn giữ, khôi phục lễ hội này là điều cần thiết với cả nước nói chung, Hà Nội và quận Tây Hồ nói riêng.

Nhấn mạnh đến nét đặc sắc của Hội thờ trung hiếu đền Đồng Cổ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long. Chỉ còn 5 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến lễ hội thứ 1.000 với kỳ vọng lễ hội vẫn giữ được các giá trị truyền thống nhưng đổi mới và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của Thủ đô, đất nước và thời đại”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Định vị giá trị di sản

Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, kiến trúc, năm 1992, di tích đền Đồng Cổ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Với những giá trị văn hóa đặc sắc của Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng hồ sơ, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn này một cách tương xứng.

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cần nghiên cứu, xây dựng hồ sơ để có những biện pháp bảo vệ Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ một cách cụ thể. Có thể tổ chức hội thề này với quy mô 5 năm/ lần do địa phương chủ trì và 10 năm/ lần theo cấp Nhà nước, qua đó đề cao tính thiêng liêng của lời thề trung hiếu với đất nước, với nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng đang được tiến hành toàn diện.

Đồng tình với quan điểm phải xây dựng hồ sơ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng. Vì thế, cần định vị giá trị của lễ hội này, đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô di tích, hoàn thiện các công trình phụ trợ để tạo thành một không gian di sản hoàn chỉnh đối với di tích đền Đồng Cổ gắn với di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu. Song song với đó, quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội cần nâng tầm di sản thông qua việc kết nối với khu di sản Hoàng thành Thăng Long để tạo thành một trục tâm linh xuyên suốt.

Nêu quan điểm muốn bảo vệ di sản, cách tốt nhất là phải để di sản sống trong cộng đồng và ứng xử phù hợp với di sản, TS Phạm Cao Quý, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần phải để cộng đồng thực hành và nắm giữ di sản. “Việc thực hành di sản cần phù hợp với đời sống đương đại và quy luật phát triển. Văn hóa không đứng yên một chỗ mà luôn biến đổi, vì thế, cần phải nhận diện đầy đủ, khách quan để bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhưng không tách rời khỏi đời sống hôm nay”, ông Quý nói.

Du khách tham quan đền Đồng Cổ.

Việc xây dựng hồ sơ, đưa Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản mà còn được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn của quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội. Đó là quan điểm của GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông chia sẻ: “Đây sẽ là một lễ hội đặc biệt và sẽ là “đặc sản” của quận Tây Hồ. Nếu biết kết hợp với hệ thống di tích trên địa bàn quận, lễ hội này chắc chắn sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến”.

Kết luận tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, tọa đàm đã góp phần gợi mở, định hướng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ. Thời gian tới, Sở sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng, củng cố hồ sơ đề nghị ghi danh hội thề này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, xây dựng kịch bản lễ hội bài bản, chi tiết, sát thực với lịch sử, kết nối di tích và lễ hội đền Đồng Cổ với hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ cũng như thành phố Hà Nội để phát triển thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục di sản đến với cộng đồng và người dân Thủ đô.

Bài và ảnh: Linh Tâm

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 15/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT