Lễ hội đền Văn Chỉ (Hà Nội)
Theo tài liệu lưu trữ, đền Văn Chỉ được khởi dựng vào thế kỷ XIX. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, kiến trúc của đền ngày nay có kết cấu kiểu chữ “đinh”, gồm hai tầng, với nhà tiền tế 3 gian và 1 gian hậu cung.
Nam Phương Xích Đế (hay Viêm Đế, Chu Tước) húy là Đạo Công. Ngài vốn là thần Hỏa. Thời Hùng Vương thứ 18, Đạo Công được phong làm Chỉ huy sứ tướng quân. Khi vua Hùng định nhường ngôi cho con rể là Sơn Tinh, Thục Vương liền đem quân tiến đánh đất nước Văn Lang. Đạo Công được cử đem quân đến đạo Sóc Sơn dẹp giặc. Chỉ trong 10 ngày, quân Thục đã đại bại. Đạo Công được vua ban thưởng, cho phép về thăm quê quán. Khi đến địa phận Văn Chương, Văn Hương, ngài hóa và biến vào đám mây ngũ sắc. Vua bèn phong ngài là Thượng đẳng phúc thần, cho phép người dân giáp Đông, ấp Văn Chương lập miếu thờ cúng.
Trước kia, dân làng Văn Hương, Văn Chương mở hội từ ngày 12 đến 15 tháng Hai và lễ Cơm mới vào ngày 10 tháng Mười. Ngày nay, việc tổ chức lễ hội tại đình Văn Hương (nơi ngài ngự) và đền Văn Chỉ (nơi ngài hóa) chỉ diễn ra trong ngày 14 tháng Hai. Thành phần tham gia lễ hội gồm đại diện chính quyền địa phương, bà con phường Văn Chương và phường Hàng Bột cùng du khách. Lễ vật dâng cúng Thành hoàng gồm xôi gà, hoa quả, thanh bông, trà rượu, trầu cau... Sau lễ khai mạc là nghi thức tế lễ với sự tham gia của đội tế nam, gồm 12 người trong trang phục truyền thống, lần lượt dâng lên đức Thánh các tuần rượu, trà, nước. Sau nghi thức tế là lễ rước long ngai, bài vị, kiệu Thánh. Đi đầu đoàn rước là đội cờ lễ, múa lân, múa rồng, phường bát âm, tán, lọng, bát bửu, chấp kích. Đội khiêng kiệu gồm các thanh niên trai tráng trong trang phục áo quần màu đỏ, đầu chít khăn; theo sau là các cụ, bà con khối phố. Buổi chiều, nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, bóng bàn, cờ người được diễn ra. Sau đó, ban Khánh tiết làm lễ yết cáo giã hội.
Thủy Hương