Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026
Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021 - 2026
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì Hội nghị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, giai đoạn 2016 - 2021, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai các hoạt động và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, về lĩnh vực văn hóa, nhận thức về giá trị di sản văn hoá và truyền thống văn hoá ngày càng được nâng cao. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy. Công tác xây dựng văn hóa cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên được công nhận, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị; hoạt động nghệ thuật biểu diễn được quan tâm. Hội nhập và hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị
Về thể dục, thể thao, phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu, rộng, các hình thức tập luyện thể dục thể thao phát triển mạnh. Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, đến năm 2019, số lượng huy chương vàng các giải thế giới và châu Á tăng gấp đôi so với năm 2015, một số vận động viên ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi lội, cử tạ, cầu lông, rowing, điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới. Thể thao Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games. Bóng đá Việt Nam có nhiều khởi sắc, giành nhiều thành tích.
Đối với lĩnh vực du lịch, Ngành đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách quốc tế tăng mạnh trong giai đoạn 2016 - 2019, từ 10 triệu lượt khách năm 2016 lên 18 triệu lượt năm 2019 (tăng 1,8 lần), khách nội địa tăng 1,3 lần từ 62 triệu lượt lên 85 triệu lượt; tổng thu từ du lịch tăng 1,9 lần, từ 401 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng. Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP tăng từ 6,96% lên 9,2%; tạo ra khoảng 03 triệu việc làm, trong đó có 01 triệu việc làm trực tiếp. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Năm 2019, Việt Nam được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á năm thứ hai liên tiếp.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, ngành du lịch tạm dừng đón khách quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước những tác động to lớn của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chung tay cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường văn hóa an toàn, xây dựng những kịch bản để phục hồi Ngành khi dịch bệnh được kiểm soát.
Toàn cảnh hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế về môi trường văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Phong trào thể dục, thể thao chưa thực sự sâu rộng, nhất là vùng nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tích cực triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm. Về du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng những nhiệm vụ, công việc mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện thời gian qua mang tính đa dạng và phong phú, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân và gắn bó chặt chẽ với công tác tuyên giáo và ngành Tuyên giáo của Đảng. Những thành tựu về kinh tế-xã hội của đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước nói chung và của Bộ nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị
Nhất trí với những phương hướng, nhiệm vụ mà Bộ đã đề ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động của ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đã ban hành; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thông qua công tác quản lý nhà nước của Bộ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với việc gìn giữ và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; có giải pháp và xử lý hài hòa giữa chuyên nghiệp, văn hóa quần chúng, tiếp tục tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình, doanh nghiệp, công sở gắn với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021 - 2026. Đây là sự khẳng định thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch; Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.
Trung tâm Thông tin du lịch