Bánh khúc - nét tinh túy riêng trong ẩm thực Hà Nội
Món bánh khúc thường được ăn kèm với chả và muối vừng. (Ảnh: Khánh Long/Báo Ảnh Việt Nam)
Muốn có bánh khúc ngon, có hai nguyên liệu quan trọng nhất là gạo và bánh khúc. Gạo phải ngon, bánh khúc phải tươi. Hơi rắc rối một chút là lá khúc còn chia ra làm hai loại, khúc nếp và khúc tẻ. Khúc nếp đương nhiên làm bánh ngon hơn khúc tẻ và nhất thiết phải hái vào buổi sáng sớm, khi sương còn đọng trên những vạt lá.
Trước đây, khoảng tháng 2 Âm lịch, nhiều gia đình mới làm bánh khúc vừa là để ăn, vừa là để biếu họ hàng. Nhưng bây giờ, bánh khúc có quanh năm, nhiều nơi lá khúc chẳng có thì thay vào bằng lá su hào, không thơm bằng, nhưng không đào đâu ra lá khúc làm bánh thì đành ăn vậy.
Bánh khúc tuy dân dã nhưng công đoạn làm ra được một chiếc bánh ngon cũng khá cầu kỳ. Lá khúc hái về rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn theo tỷ lệ với bột gạo để làm thành vỏ bánh. Đậu xanh được ngâm, đãi cho sạch vỏ, đồ chín tới, giã mịn, rồi viên tròn, bên trong là thịt ba chỉ thái hạt lựu và hạt tiêu được cho khá đậm tay. Bọc ngoài nhân đậu xanh là lớp vỏ bánh bằng bột gạo với lá khúc. Khi xếp bánh vào chõ hấp thì cứ một lớp bánh thì rải dầy tay một lớp gạo nếp đã ngâm kỹ và xóc đều với vài hạt muối.
Lửa đều đồ trong thời gian khoảng 45 phút thì bánh chín. Lớp gạo nếp phía ngoài trắng và dẻo. Mỡ từ thịt ba chỉ ngấm ra thấm vào đỗ, hạt tiêu ấm nóng. Mùi hạt tiêu vốn nồng, như lạ cái là không át được mùi lá khúc cho nên cơ bản nguyên liệu giống nhân bánh chưng, nhưng bánh khúc lại có vị riêng, không lẫn vào đâu được.
Thương hiệu nổi tiếng
Bánh khúc cô Lan từng được chọn là một trong những món ăn phục vụ các phái đoàn ngoại giao các nước đến làm việc tại trung tâm báo chí trong sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019 diễn ra tại Hà Nội.
Nằm trên phố Nguyễn Công Trứ, bánh Khúc cô Lan là một trong những địa điểm ăn uống không chỉ có người dân Hà Nội tìm đến, mà còn có nhiều du khách quốc tế tìm đến ăn thử.
Bà Nguyễn Thị Lan - chủ thương hiệu bánh khúc cô Lan, cho biết cơ nghiệp này do bà tiếp nối và phát triển từ mẹ đẻ, người đã truyền lại cho bà kinh nghiệm làm bánh khúc từ những năm 60.
Nguyên liệu làm bánh khúc là gạo nếp được lựa chọn kỹ. Nhân bánh gồm đậu xanh giã nhuyễn, thịt lợn không nạc, cũng không mỡ thái dạng nhỏ. Phần bánh sẽ được rải một lớp gạo nếp bên ngoài và đồ lên, trong nồi luôn có rải lớp lá chuối xanh cho thơm. Bánh khúc ăn kèm chút muối vừng cho vừa miệng.
Với giá bán 13.000 đồng/chiếc, bánh khúc cô Lan vào những ngày đông khách, mỗi cửa hàng có thể bán đến hơn nghìn chiếc bánh khúc. Có thể nói, bánh khúc cô Lan đã trở thành món quà vặt dân dã quen thuộc của người Hà Nội.
Đặc biệt, vào những ngày mùa Đông, khi thưởng thức món xôi khúc này, người ta có thể cảm nhận được tinh túy ẩm thực qua món ăn rất riêng này của Hà Nội./.