Tin tức - Sự kiện

Bảo đảm an toàn phòng dịch tại các di tích

Cập nhật: 17/03/2021 11:22:12
Số lần đọc: 827
Để phòng, chống dịch Covid-19, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều dừng, thu hẹp quy mô tổ chức các lễ hội hoặc đóng cửa các di tích. Đến đầu tháng 3, khi dịch bệnh từng bước được khống chế, các địa phương đã cho nhiều di tích mở cửa trở lại đón khách. Tỉnh Quảng Ninh cho phép di tích mở cửa từ ngày 2/3; tại Hà Nội, Bắc Ninh từ ngày 8/3…


Du khách tới chùa Tam Chúc tăng đột biến trong ngày 14/3.

Mùa xuân vốn là “mùa hành hương” của người dân nước ta, nhu cầu đi lễ tại các đền, chùa, miếu, phủ rất lớn. Nếu mọi năm, hoạt động hành hương diễn ra chủ yếu vào tháng Giêng (âm lịch), thì năm nay, nhu cầu này bị “kìm nén” bởi dịch bệnh. Những ngày đầu tháng 2 (âm lịch) lại trùng với ngày nghỉ cuối tuần, khi nhiều di tích mở cửa, nhiều người đã đổ xô đi lễ cầu may.

Tại chùa Hương (Hà Nội), sau ba ngày mở cửa trở lại đã đón hơn 30 nghìn du khách. Phủ Tây Hồ (Hà Nội) cũng chứng kiến hàng nghìn người đi lễ. Đáng chú ý nhất phải kể đến chùa Tam Chúc, riêng trong ngày 14/3, đã có khoảng 50 nghìn người đổ về đây tham quan, chiêm bái, biến quần thể di tích này thành một “biển người”, từ cổng Tam Quan, vườn cột kinh, điện Quán Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế…

Tại các di tích, Ban Tổ chức đều bố trí trạm kiểm soát ở lối ra, vào để nhắc nhở khách đeo khẩu trang, thực hiện các quy định về phòng dịch.

Tại chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã bố trí 150 người, lập các chốt phòng dịch, bố trí ba trạm giám sát với 20 máy khử khuẩn, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Khách tham quan đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, những đoàn đông người thì trưởng đoàn thực hiện khai báo y tế đại diện. Ban Quản lý di tích – thắng cảnh thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch. Tuy nhiên, vào lúc cao điểm (khoảng từ 10 đến 12 giờ) trong hai ngày cuối tuần qua, trong khuôn viên các di tích, số lượng người tập trung lớn, không thể thực hiện việc giữ khoảng cách giữa các khách hành hương.

Còn tại chùa Tam Chúc, việc hàng nghìn người chen lấn nhau cũng khiến yêu cầu “giữ khoảng cách” không thể thực hiện.

Đặc biệt, tại những di tích trên, do tập trung đông người, không khí ngột ngạt, nhiều người đã bỏ khẩu trang hay đeo khẩu trang kiểu “chiếu lệ”.

Mùa lễ hội còn kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Dù có tổ chức lễ hội hay không, thì các di tích lớn, như: Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương, phủ Tây Hồ (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình) hay Tam Chúc, Phủ Giầy (Hà Nam)… vẫn có nhiều người đến chiêm bái.

Dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được ngăn chặn, nhưng nguy cơ bùng phát dịch còn rất lớn, nếu như có người mắc bệnh đi lễ tại các di tích. Điều này đòi hỏi ban quản lý các di tích chuẩn bị trước các kịch bản ứng phó, tránh tình trạng “vỡ trận” như tại chùa Tam Chúc ngày 14-3 vừa qua. Trong trường hợp cần thiết, phải dừng ngay việc đón khách để hạn chế việc chen chúc trong khuôn viên di tích.

Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền để mọi người nhận thức ý nghĩa sâu xa của hành hương. Hành hương là để cầu mong điều tốt đẹp, nhưng nếu để lây lan dịch bệnh thì lại gây tổn hại lớn cho cộng đồng. Để từ đó, mọi người cân nhắc một cách hài hòa giữa việc đi lễ và sự cần thiết thực hiện những yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm này.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT