Bảo Lạc (Cao Bằng) khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Với đặc điểm địa hình đa dạng có 2 vùng rõ rệt (vùng cao, vùng thấp), Bảo Lạc có thể cho phép khai thác các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch đặc thù như: du thuyền mạo hiểm trên sông Gâm; hang động; sinh thái; du lịch cộng đồng dân tộc Tày, Lô Lô, Sán Chỉ; lịch sử, văn hóa… Bảo Lạc nổi tiếng với nhiều dược liệu quý hiếm: hà thủ ô, tam thất, ấu tầu; văn hóa ẩm thực của Bảo Lạc với những món ăn như: thắng cố, mèn mén, thịt treo gác bếp, thịt ủ chua... nổi tiếng.
Để thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, huyện Bảo Lạc đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, như: Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, 2 đề án trọng điểm về phát triển du lịch: Điểm du lịch Thiêng Qua (mốc 589), xã Cô Ba và Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc; xây dựng và ban hành Chương trình số 33-CTr/HU ngày 30/7/2018 về phát triển du lịch huyện Bảo Lạc giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Đồng thời, tổ chức các lễ hội như: Chợ tình phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô... và các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thu hút khách đến tham quan, du lịch.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc Nông Toàn Thắng cho biết: Đến nay, huyện đã quy hoạch và bước đầu định hình được mô hình phát triển du lịch của huyện với các giá trị đặc trưng, riêng biệt rõ ràng, phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, Đề án bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Trong năm 2020, dự kiến đầu tư giai đoạn 1 với các hạng mục: Thi công tu bổ biển báo, giếng nước, tôn tạo cảnh quan làng bản, tu bổ các hạng mục công trình (5 ngôi nhà truyền thống, 1 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và các công trình phụ trợ), bảo tồn các nội dung văn hóa phi vật thể.
Dự án điểm du lịch Thiêng Qua, xã Cô Ba được đầu tư xây dựng bến lên, bến xuống; sửa chữa, nâng cấp mặt đường từ trung tâm huyện đến mốc 589; huy động các nguồn vốn xã hội hóa để tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử văn hóa chùa Vân An, miếu Quan Đế. Huyện tạo điều kiện khuyến khích đầu tư kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng…
Đến thời điểm này, huyện có gần 20 cơ sở lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Với nhiều giải pháp và hướng đi phù hợp, lượng khách du lịch đến huyện ngày càng tăng, trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút du khách. Riêng năm 2019 có 14.191 lượt khách đến lưu trú tại huyện, trong đó khách quốc tế 4.777 lượt, tăng trên 66% so với năm 2018; công suất sử dụng phòng đạt 73%; tổng doanh thu đạt trên 5,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà cho biết: Trong phát triển du lịch, Bảo Lạc còn gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện tuy được quan tâm nhưng chưa sâu rộng và hiệu quả. Việc hợp tác, kết nối giữa Mèo Vạc - Đồng Văn (Hà Giang) - Bảo Lạc và những địa phương có các điểm du lịch của tỉnh trong phát triển các tour, tuyến du lịch chưa được như mong muốn; vốn đầu tư xây dựng các điểm du lịch còn nhỏ giọt, manh mún, các sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu...
Trong thời gian tới, huyện Bảo Lạc tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch, đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn du khách đến Bảo Lạc, góp phần đưa du lịch Bảo Lạc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nam Phong