Bến Tre xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch liên kết
Trong cụm Du lịch phía đông ĐBSCL thì Bến Tre và Trà Vinh là hai tỉnh liên kết thuận lợi trong tuyến các tỉnh Duyên Hải của hai cụm Đông và Tây. Trà Vinh và Bến Tre có cùng chung dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, có nhiều tiềm năng du lịch mà khi liên kết sẽ tạo nên những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có. Một tỉnh đang có nhiều du khách tìm hiểu, trãi nghiệm sông nước Xứ Dừa hơn thập kỷ qua, nay cùng phối hợp, kết nối, mở rộng sang tỉnh Trà Vinh với nền văn hóa Khmer phong phú, đặc sắc càng thu hút và lưu giữ khách du lịch lâu hơn, tạo điều kiện cho cả hai tỉnh và là nền tảng chi phối các tỉnh trong cụm cùng phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới.
Chợ nổi dừa trên sông Thom - Mỏ Cày Nam - Bến Tre (ảnh Bến Tre Quê tôi)
Du lịch "Sinh thái Sông nước Xứ Dừa" muốn nói lên tỉnh Bến Tre sở hữu 04 nhánh sông lớn của dòng Cửu Long, những cù lao xanh tươi và những vườn dừa bạt ngàn, cây trái, hoa kiểng xanh tốt, các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Đồng Khởi và Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu cùng trên 50 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được giới thiệu đến du khách cùng những con người đôn hậu và mến khách đã tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mà ít địa phương nào có được.
Di tích quốc gia đặt biệt - Di tích Đồng Khởi Bến Tre
Các điểm du lịch của Xứ Dừa đã được hình thành và đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch Lan Vương, Phú An Khang ở thành phố Bến Tre; Khu du lịch Làng bè, vườn cây trái Bảo Thạch tại huyện Châu Thành; Làng Văn hóa Du lịch nổi tiếng với hoa kiểng - cây giống huyện Chợ Lách; Khu du lịch sinh thái ngập mặn và bãi biển Cồn Bửng - Thạnh Phú …đã và đang thu hút nhiều du khách. Các tuyến du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa làm mê hồn du khách trên những con sông và đường làng rợp bóng dừa, các vườn dừa xen bưởi da xanh, cây trái, trải nghiệm làng nghề dừa truyền thống, dệt chiếu… và lưu trú tại các homestay tiện nghi, yên bình. Đến Bến Tre, du khách cũng thích thú văn hóa ẩm thực dừa với gỏi củ hủ dừa tôm thịt, cơm trái dừa và tép rang dừa là những món ăn đã được công nhận trong 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre hướng đến liên kết, phát triển cùng các tỉnh trong cụm du lịch, nhất là tỉnh kế cận Tiền Giang, Vĩnh Long hay Trà Vinh để tạo sản phẩm mới nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước lưu lại tỉnh nhà lâu hơn.
Trà Vinh nối liền với Bến Tre qua cầu Cổ Chiên, là hai tỉnh có nhiều nét tương đồng và được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng phong phú về du lịch văn hóa, du lịch biển, sông nước miệt vườn, dừa sáp đặc sản...đặc biệt là du lịch khám phá bản sắc văn hóa, lễ hội dân tộc Khmer, sở hữu với hơn 140 ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc.
Du lịch Trà Vinh đáp ứng được nhu cầu của du khách khi tham quan các tuyến như: Cụm Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa Khmer, Chùa Âng, Chùa Hang; Trãi nghiệm vườn cây ăn trái Cù lao Tân Quy, đặc sản dừa sáp huyện Cầu Kè và các homestays mang bản sắc dân tộc Khmer mộc mạc, hiếu khách; Hay Cụm biển Ba động, Thiền viện Trúc Lâm, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, rừng ngập mặn Long Khánh… Ngoài ra, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim thuộc huyện Châu Thành do người dân phục vụ gắn với bảo vệ môi trường, nuôi trồng theo mô hình "con tôm ôm cây lúa" dần thu hút khách.
Trải nghiệm làm cốm dẹp tại Trà Vinh
Từ tính chất phong phú về tài nguyên du lịch của hai tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre và Trà Vinh liên kết các sản phẩm hiện có, các điểm du lịch cùng hướng dẫn và làm cầu nối cho các đơn vị lữ hành của hai tỉnh xây dựng, thiết kế các tours, tuyến liên tỉnh đặc thù 2ngày/1đêm, 3ngày/2đêm nhằm thu hút du khách. Một trong những chương trình tham quan và có thể điều chỉnh theo tích chất từng đoàn khách hay từng đơn vị lữ hành hợp tác đưa khách:
Ngày 1: Đón khách tại thành phố Bến Tre, khởi hành đi Mỏ Cày Nam, tham quan Nhà truyền thống Đồng khởi, tìm hiểu Đội quân tóc dài và phong trào Đồng Khởi năm 1960. Thưởng thức mức dừa, nước dừa tươi, trái cây … Chèo thuyền trong rạch dừa nước. Tham quan lò kẹo dừa Tuyết Phụng, trải nghiệm chợ nổi dừa, nơi buôn bán, giao thương về dừa; các hoạt động sản xuất, chế biến dừa, chỉ xơ dừa hai bên bờ sông Thom. Nghỉ đêm Coco homestay trong vườn dừa. Đối với tuyến du lịch này, du khách có thể tùy chọn, mở rộng tham quan Làng Văn hóa Du lịch huyện Chợ Lách (cây giống, hoa kiểng và nhiều loại trái cây xứ nhiệt đới); hoặc về Khu du lịch sinh thái ngập mặn huyện Thạnh Phú (biển Cồn Bửng, di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền…).
Ngày 2: Khởi hành đi Trà Vinh theo quốc lộ 60, qua cầu Cổ Chiên. Đi xe đạp hoặc xe tuktuk quanh Làng Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om (di tích cấp quốc gia), Bảo tàng Văn hóa Khmer, Chùa Âng, xem những điệu múa và nhạc ngũ âm truyền thống của người dân Khmer, làng nghề làm mũ, mão hay giả cốm dẹp. Hòa nhập cuộc sống đời thường và thưởng thức dừa sáp…; Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục tham quan thêm tuyến du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Cù lao Tân Quy, các vườn dừa sáp huyện Cầu Kè và các homestays mang bản sắc dân tộc Khmer mộc mạc, hiếu khách; hoặc chọn trãi nghiệm điểm du lịch nông nghiệp cộng đồng Cồn Chim xã Hòa Minh, huyện Châu Thành.
Trong sự tương đồng của Đất và Người giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh thì văn hóa, tài nguyên du lịch có nhiều nét độc đáo và đặc sắc riêng mà nhiều tỉnh không có được. Việc liên kết sản phẩm du lịch của hai tỉnh tạo sản phẩm mới được nhiều công ty lữ hành đón nhận và ký kết khai thác. Sự đoàn kết, đồng thuận giữa bốn nhà: Chính quyền, công ty Lữ hành, du khách và người dân làm du lịch sẽ ngày càng thúc đẩy sự phát triển hợp tác du lịch liên tỉnh và tạo cho Cụm du lịch phía đông ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn du khách hôm nay và mai sau./.