Đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề: “Việt Nam - Độc lập, Tự cường”. Ảnh: BTHCM
Chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường giải phóng dân tộc. Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh cách mạng, đi đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân, phátxít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
Phần II: Kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1954)
Những hình ảnh, tài liệu, hiện vật phần này điểm lại những dấu mốc lịch sử giai đoạn vô cùng khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, những đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ: Giải quyết nạn đói, nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài, từng bước đưa đất nước ta ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập. Trong giai đoạn (1945 – 1954), Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, nêu cao tinh thần độc lập, tự do, quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” nhất tề đứng lên thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, giành những thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Phần III: Xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khói lửa chiến tranh (1954 – 1975)
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước bị chia cắt làm 2 miền. miền Bắc được hoàn toàn giải phóng; ở miền Nam, đế quốc Mỹ từng bước phá hoại Hiệp định Giơnevơ, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Đảng và Nhà nước lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tại miền Bắc, nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu để khôi phục kinh tế - xã hội, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Ở miền Nam, nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phần IV: Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975 -1986)
Sau ngày giải phóng, cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất. Các lĩnh vực của đời sống xã hội được tăng cường đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp được quan tâm xây dựng. Dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nhưng trong vòng 10 năm (1975-1985), đất nước đã đạt được những thành tựu bước đầu.
Hòa bình chưa được bao lâu, Việt Nam lại phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài. Với tinh thần độc lập, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh ngoại xâm quy mô lớn ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Phần V: Đổi mới, hội nhập và phát triển (1986 – 2020)
Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có những bước chuyển mình kỳ diệu, quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm. Sự chuyển đổi đã giải phóng lực lượng sản xuất, khơi dậy và phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành nghề - lĩnh vực, cơ hội làm giàu cho mỗi người Việt Nam, vì sự phồn vinh của đất nước.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại không gian trưng bày chuyên đề: “Việt Nam - Độc lập, Tự cường”. Ảnh: BTHCM
Phát huy thế và lực của đất nước sau khi thực hiện Đổi mới Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. Bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng đảm bảo, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày một tăng cao.
Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Tem Việt Nam trưng bày một số bộ sưu tập tem về chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với hàng nghìn mẫu tem và vật phẩm bưu chính.
Trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan từ ngày 30/8/2020.
Phòng Truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh