Bảo tồn nét đẹp văn hóa người Dao Thanh Y dưới chân Yên Tử
Không gian trưng bày trang phục truyền thống và dụng cụ sinh hoạt của người Dao Thanh Y ở Uông Bí. Ảnh: Lê Minh Quang (CTV)
Người Dao Thanh Y ở Uông Bí sống tập trung ở xã Thượng Yên Công và phường Vàng Danh. Có giả thuyết cho rằng, người Dao Thanh Y ở Uông Bí không phải là dân bản địa mà do bộ phận dân di cư từ khu vực đồi núi phía Bắc của thành phố sang. Và do đó, theo thuyết “Trung tâm và ngoại vi” nhiều nét văn hoá của người Dao Thanh Y khi lan toả tới ngoại vi thường bị “hoá thạch” và giữ lại các dạng thức nguyên thuỷ hơn so với trung tâm của nó là vùng phía Bắc Uông Bí. Những giá trị này được các nghệ nhân dân gian lưu giữ và được thực hành trong các sinh hoạt hàng ngày, lễ tết, hội hè.
Ngoài phường Vàng Danh thì xã Thượng Yên Công là nơi tập trung đồng bào dân tộc Dao đông nhất của TP Uông Bí. Trên 50% dân số của xã Thượng Yên Công là người Dao Thanh Y.
Ông Lê Minh Quang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cho biết: Đến nay, người Dao ở Thượng Yên Công vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị văn hóa phi vật thể như: Hội làng, lễ cấp sắc, tục cưới hỏi, ma chay, may thêu trang phục dân tộc, hát đối đáp giao duyên, trò chơi dân gian. Đây là những nét văn hóa đặc trưng có giá trị nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, số người được phong tặng nghệ nhân dân gian ở Uông Bí còn quá ít chưa tương xứng với đòng góp của đội ngũ này. Năm 2010, cụ Bàn Thị Nam, 88 tuổi, ở xã Thượng Yên Công được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Từ đó đến nay, Uông Bí chưa có thêm một nghệ nhân nào được phong tặng. Hiện cụ Nam đã qua đời kéo theo việc Uông Bí dù có mật độ văn hóa đậm đặc, có cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y với nhiều nét văn hóa độc đáo nhưng là địa phương “trắng” nghệ nhân.
Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây, TP Uông Bí luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có đặc trưng văn hóa của đồng bào Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã dành nguồn kinh phí gần 100 triệu đồng phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào. TP Uông Bí đã thực hiện dự án bảo tồn, truyền dạy nghề thêu thổ cẩm thủ công, hát múa dân ca dân vũ và ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công.
Hoạt động sưu tầm, phát huy nghề thêu, làn điệu dân ca, dân vũ và văn hóa ẩm thực nhận được sự vào cuộc của người dân địa phương. Các nghệ nhân đã tập hợp lại thành những câu lạc bộ thường xuyên duy trì lớp giảng dạy thêu, dạy hát dân ca; tham gia hoạt động biểu diễn nhằm quảng bá nét đẹp của nghề thêu dân tộc; tái hiện hoạt động, phong tục, tập quán, góp phần phát triển du lịch. Họ cũng tham gia nghiên cứu đưa sản phẩm của văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch để tạo nguồn thu; hình thành tour du lịch trải nghiệm.
Ông Lê Minh Quang cho biết: Chúng tôi đang đề xuất phối hợp cùng Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thực hiện mô hình kết hợp bảo tồn văn hóa với kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch ở ngay làng hành hương dưới chân Yên Tử. Theo đó, mô hình này có mục tiêu giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Dao Thanh Y đến với du khách, động viên ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, quảng bá văn hóa, làm phong phú sản phẩm du lịch địa phương và tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn lấy đó làm nguồn lực lưu giữ bảo tồn và phát triển văn hóa.
Mô hình sẽ trưng bày trang phục nam nữ, cô dâu, chú rể, thầy mo, trưng bày tranh cổ người Dao, các dụng cụ thực hành nghi lễ, vật dụng sinh hoạt hàng ngày; tái hiện nghề thêu dệt thủ công truyền thống và có sản phẩm bán cho du khách, tái hiện bếp của người Dao để giới thiệu ẩm thực dân tộc với bánh gù, xôi màu, canh gà nấu rượu bâu, canh gà nấu gừng xanh giải độc, giải cảm; phục vụ du khách trải nghiệm văn hóa Dao. Trước đó, mô hình này đã được thử nghiệm ở Chợ Cảnh Uông Bí và thu hút lượng lớn du khách.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi sẽ hỗ trợ Uông Bí trong việc xây dựng hồ sơ để trình cấp trên công nhận các danh hiệu nghệ nhân cho những người đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể người Dao Thanh Y. Hy vọng, ngoài nghệ nhân Bàn Thị Nam ra, Uông Bí sẽ có thêm nhiều người được phong tặng trong thời gian gian tới. Và chính những người nghệ nhân này sẽ phát huy giá trị di sản trong việc khai thác du lịch dưới chân núi Yên Tử./.