Non nước Việt Nam

Già làng Ha Nhang nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống người Cil ở Lâm Đồng

Cập nhật: 04/01/2019 10:47:27
Số lần đọc: 1131
Các già làng luôn được ví như cây đại thụ của núi rừng Tây Nguyên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nhịp cầu gắn kết bà con trong vùng cùng chung tay góp sức bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong cuộc sống đương đại. Kră Jăn Ha Nhang cũng vậy, trong suốt thời gian dài luôn là người đi trước để làng nước theo sau.


Già làng Ha Nhang trò chuyện với chị em đang nỗ lực duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm trong thôn.
Ảnh: N.Thi

Đam Pao, xã Đạ Đờn, Lâm Hà là thôn được hình thành khoảng 50 năm trước, hiện có 430 hộ thì tới 80% là người dân tộc Cil. Không phải là thôn hình thành quá lâu đời so với nhiều thôn, buôn khác, nhưng Đam Pao lại là một thôn có nếp sống văn hóa đậm đặc nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng nói chung, người dân tộc Cil nói riêng. 

Chúng tôi đến Đam Pao và ghé vào thăm già làng Ha Nhang vào một buổi trưa cuối năm, được nghe già kể nhiều về những phong tục, tập quán của người Cil. Già bảo, bà con ở Đam Pao giờ sống văn minh lắm, hủ tục đã xóa bỏ hết, chỉ giữ lại những phong tục truyền thống tốt đẹp thôi. Ví dụ như đám ma ngày xưa rất tốn kém và thường để rất lâu mới mang đi chôn thì nay các gia đình trong thôn có người chết thường không bao giờ để quá 3 ngày trong nhà. Bà con cũng đã cho vào áo quan và chôn cất ở nơi tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc giết mổ trâu bò trong các đám ma, đám cưới, đám giỗ... và các hủ tục rườm rà không cần thiết cũng đã dần được xóa bỏ hoặc giảm bớt. “Trước đây bà con làm theo kiểu của ông bà ngày xưa, vừa tốn kém mà lại không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường nên chính quyền xã phối hợp với thôn đã đi tận nhà vận động, giải thích để bà con hiểu. Ngoài ra, trong các buổi ma chay, đám cưới, tôi cùng với ban vận động của thôn, xã thông qua các buổi viếng thăm cũng đã lồng ghép trong câu chuyện với gia đình, hàng xóm để giúp mọi người hiểu được lợi và hại, tốt và xấu của các phong tục và hủ tục. Giờ thì hầu hết bà con trong thôn đều hiểu và nhận thức được đâu là hủ tục và đâu là những tập tục đặc trưng cần lưu giữ” - già làng Ha Nhang chia sẻ. 

Chính vì nhận thức của bà con Đam Pao nay đã khá văn minh như vậy nên trong cuộc sống đương đại, khi nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi đang báo động vì nguy cơ bị mai một, biến dạng, hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, thì ở Đam Pao, cộng đồng người Cil đang chung tay lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. 

Theo chân già làng Ha Nhang chúng tôi đi dạo một vòng quanh thôn, hình ảnh ấn tượng và luôn đập vào mắt của chúng tôi đó là cảnh những chị phụ nữ, những cô gái trẻ gùi con, gùi cháu đang ngồi dệt thổ cẩm dưới nền nhà. Già Ha Nhang cho biết, thôn đã được công nhận là làng dệt thổ cẩm truyền thống nhờ người dân vẫn giữ được thói quen dệt thổ cẩm để tự may trang phục cho mình và gia đình. Bên cạnh đó, hiện nay, dệt thổ cẩm còn là nghề tay trái của chị em trong thôn để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Bà con ở thôn không thể sống bằng nghề dệt nhưng bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là các chị em từ già đến trẻ lại ngồi dệt thổ cẩm. 90% phụ nữ trong thôn đều biết dệt thổ cẩm. Công việc này không chỉ để tăng thu nhập nữa mà đây là cách mà chị em trong thôn đang nỗ lực để gìn giữ, lưu truyền và phát huy nét đẹp của trang phục truyền thống người Cil. Không riêng gì tôi mà bà con trong thôn rất vui và cho rằng đây là cách mà chúng tôi bảo tồn và phát huy hiệu quả nét đẹp văn hóa và trang phục truyền thống của mình. Qua đấy cũng nâng cao nhận thức của lớp trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa”. 

Có thể nói, Đam Pao với sự chung tay góp sức của già làng Ha Nhang là một thôn khá thành công trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng. Vai trò của già làng Ha Nhang trong việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đầy tính nhân văn và sâu sắc./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT