Bảo tồn, phát huy di sản Cố đô Huế góp phần phát triển kinh tế của địa phương
Cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế trong Quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Minh Duy)
Sáng 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế
Trong dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) bày tỏ ủng hộ với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế - là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.
Theo đó, Quỹ được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác mà không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn thu của Quỹ để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Thừa Thiên Huế được định hướng là đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường, trong đó có Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Tuy nhiên, "điểm nghẽn" lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay là vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, có nguyên nhân là nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ là tạo thêm nguồn kinh phí quan trọng để bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An phát biểu từ điểm cầu Cao Bằng. (Ảnh: quochoi.vn)
“Hiện nay nhu cầu vốn cho công tác trùng tu hằng năm là rất lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng trên một năm. Hầu hết các di tích của Huế đã có niên đại hàng trăm năm, ngày càng xuống cấp, mỗi di tích sau năm 50, năm 70 năm phải bắt đầu trùng tu vì vật liệu chủ yếu là gỗ và vôi vữa, nếu không được trùng tu, bảo dưỡng kịp thời sẽ trở thành phế tích, việc bảo tồn càng khó khăn gấp bội, trong khi đó ngân sách của địa phương còn hạn chế”, đại biểu An nêu vấn đề.
Do đó, theo đại biểu An, việc quy định như trong dự thảo Nghị quyết là phù hợp. Nếu thành lập Quỹ, việc hỗ trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân thông qua Quỹ sẽ thuận lợi hơn, quy trình sẽ minh bạch hơn, bảo đảm nguồn vốn cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa Huế. Đồng thời, đại biểu An cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm quy hoạch đất để trồng một số loại cây lấy gỗ phục vụ cho công tác bảo tồn sau này.
Phát huy nguồn tài nguyên du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng bày tỏ ủng hộ về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhất là, khi nguồn ngân sách phân bổ cho Thừa Thiên Huế để trùng tu, tôn tạo còn hạn chế thì việc huy động quỹ từ ngân sách các tỉnh, thành phố khác và các nguồn khác cho quỹ là hợp lý.
“Di sản thế giới này không chỉ là tài sản riêng của Thừa Thiên Huế mà là tài sản chung, vô giá của đất nước và của nhân loại, bởi vậy các tỉnh, thành phố khác cùng chung tay trong việc đóng góp tự nguyện một phần kinh phí vào Quỹ bảo tồn di sản Huế là điều rất đáng khích lệ”, đại biểu Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). (Ảnh: quochoi.vn)
Theo đại biểu Nga, đối với các di tích là các công trình kiến trúc, nhất là công trình có ý nghĩa đặc biệt như là Quần thể di tích Cố đô Huế thì việc trùng tu, tôn tạo càng sớm lại càng thuận lợi, đồng thời có điều kiện bảo tồn di sản tốt hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sớm khai thác có hiệu quả những giá trị từ di tích này.
“Theo đánh giá của UNESCO, mỗi di sản sau khi được vinh danh đã có một giá trị gốc ước tính 500 triệu USD. Giá trị này sẽ tăng theo thời gian như một thương hiệu, nếu biết khai thác đúng. Các di sản được UNESCO vinh danh sẽ là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế của địa phương có di sản nói riêng và của Việt Nam nói chung”, đại biểu Nga nhận định.
Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn được các tổ chức uy tín về du lịch của thế giới đánh giá là điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, ẩm thực hàng đầu châu Á và Quần thể di tích Cố đô Huế đáp ứng đầy đủ những tiêu chí để phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Trên thực tế, đây cũng là điểm đến hàng đầu của các khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Do đó, đại biểu Nga cho rằng Quỹ bảo tồn di sản Huế khi ra đời sẽ là cú hích rất quan trọng để trùng tu, tôn tạo di tích này, tạo nguồn lực lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là trong thời gian “hậu Covid” sắp tới.
Bên cạnh đó, đại biểu Nga cũng đề nghị Chính phủ cần có những quy định thực sự chi tiết, rõ ràng và khả thi về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ, tránh trường hợp quỹ được thành lập rồi nhưng không thể hoạt động do không huy động được kinh phí và những vướng mắc khác về quy chế hoạt động.
Trịnh Dũng