Đồng Tháp: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương
Sản phẩm của làng nghề dệt choàng truyền thống xã Long Khánh A
Trên địa bàn huyện Hồng Ngự có nhiều di tích lịch sử - văn hóa; làng nghề dệt choàng có truyền thống lâu đời trên 100 năm, thích hợp phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử và làng nghề, ngoài ra còn có bãi cồn cát trên dòng sông Tiền thu hút khá đông người dân trong và ngoài huyện đến vui chơi, tham quan. Phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với các chương trình, dự án trọng tâm, UBND huyện Hồng Ngự cùng các ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị thông minh và Khu du lịch làng nghề. Phát triển các thế mạnh liên quan đến các ngành hàng của địa phương; thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất để đưa hàng hóa nông sản, đặc sản của huyện tham gia vào chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại với các sản phẩm như cá thát lát rút xương, chả hấp, chả ghẹ, khô cá sặc rằn và khô cá tra phi lê, bún sấy dẻo, bún hoa đậu biếc sấy dẻo, dưa cải muối, củ cải muối, bắp sấy xốp, nấm bào ngư... Đặc biệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch như hỗ trợ xây dựng các dự án, kết nối quảng bá, xúc tiến và liên kết phát triển du lịch, du lịch nông nghiệp. Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch góp phần đưa dịch vụ nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau, người dân tại làng nghề dệt choàng đa dạng các sản phẩm từ sản phẩm khăn dệt choàng với hơn 10 loại sản phẩm phục vụ du khách trong, ngoài nước.
Mỗi năm, UBND huyện cùng với các ngành, UBND các xã đề ra các giải pháp đổi mới phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng khai thác tiềm năng các tuyến, điểm du lịch trọng điểm: làng nghề dệt choàng truyền thống, nhà cổ, vườn cây ăn trái, bãi tắm cồn Long Khánh (xã Long Khánh A), khu dịch vụ và du lịch sinh thái ven sông Tiền (thị trấn Thường Thới Tiền), du lịch Làng bè tại Hội Quán Làng Bè (xã Long Thuận)... Những năm gần đây, bãi cồn Long Khánh là nơi vẫn còn lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ, dài hàng trăm mét nằm cặp bên sông Tiền thơ mộng. Bãi cồn này địa phương chọn để phát triển du lịch kết hợp với các điểm đến thú vị là làng nghề dệt choàng, đình Long Khánh trăm năm tuổi.
Phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp tại huyện Hồng Ngự cùng với các ngành chú trọng đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa ngay từ cơ sở. Hiện nay, toàn huyện có trên 66% số xã có Trung tâm Văn hóa, Thể thao; 100% địa phương có Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. 100% số xã có điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Số hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt hơn 95%, số ấp được công nhận ấp văn hóa nông thôn mới đạt 100%, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí văn hóa đạt 100%. Mỗi năm, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt, tập thể dục và thể thao rèn luyện sức khỏe của người dân, phục vụ cộng đồng thường xuyên...
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực vận động người dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, lấy ý kiến người dân đầu tư xây dựng công trình đường, nạo vét bờ bao, đóng góp kinh phí, hiến đất và ngày công mở rộng lộ, phát quang, sửa chữa đường... Vận động các đoàn viên, hội viên và người dân tham gia trồng cây xanh ven đường, làm mới hàng rào, góp phần tạo cảnh quang môi trường xanh - sạch - đẹp làm đẹp cảnh quan phục vụ cho đời sống người dân tại địa phương. Thời gian tới, UBND huyện Hồng Ngự cùng các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa truyền thống, nâng tầm giá trị văn hóa trở thành một điểm nhấn tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển.
P.L