Bảo vệ khẩn cấp các di sản văn hóa
Biểu diễn ca trù trong một chương trình nghệ thuật tại Hà Nội. (Ảnh: Khiếu Minh)
Nếu ca trù là loại hình nghệ thuật trình diễn, hát Xoan là loại hình dân ca mang tính nghi lễ, thì di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường của các tỉnh có người Mường sinh sống: Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội và Đắk Lắk là loại hình tín ngưỡng dân gian, gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào Mường.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của những di sản này trong đời sống đương đại gặp nhiều thách thức, khiến di sản rơi vào trình trạng phải bảo vệ khẩn cấp. Kinh nghiệm đổi danh hiệu hát Xoan của Phú Thọ chỉ trong sáu năm, từ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp sang di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại có thể là hình mẫu để các địa phương có loại hình di sản trong tình trạng này tham khảo.
Năm 2011, UNESCO ghi danh hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thời điểm đó, hát Xoan đang trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp từ nghệ nhân, người thực hành và không gian văn hóa thực hành hát Xoan. Nhận thức được tầm quan trọng phải bảo vệ di sản, Phú Thọ nhanh chóng xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020, đồng loạt thực hiện các biện pháp, trong đó chú trọng chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các lớp “nghệ nhân kế cận”.
Chia sẻ về tiêu chí nghệ nhân kế cận, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Đây là những người chưa đạt các tiêu chí của nghệ nhân, nhưng họ tâm huyết và có thể thực hành được 3/4 số lượng bài hát Xoan. Ngoài ra, họ rất tích cực tham gia truyền dạy tại nhà, tại di tích cũng như trong cộng đồng.
Song song với các nghệ nhân, trùm phường, trưởng phường ra sức truyền dạy cho con cháu, từ thế hệ mầm non, Phú Thọ phục hồi các không gian văn hóa thực hành hát Xoan liên quan đến di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các di tích thuộc không gian lan tỏa như ở Vĩnh Phúc và các địa bàn chung quanh như Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, đồng thời tiến hành phục hồi các nghi thức, tục lệ liên quan đến hát Xoan.
Chỉ sau 5 năm, các không gian văn hóa liên quan đến thực hành hát Xoan gần như được phục hồi hoàn toàn. Tỉnh Phú Thọ nỗ lực tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức tại cộng đồng hát Xoan và công chúng, tạo nên một lớp công chúng có thể nhận diện, cảm nhận được giá trị của hát Xoan…
Thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, sau khi hát Xoan chuyển sang Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với các giải pháp mang tính bền vững. Là di sản do cộng đồng sáng tạo và thực hành, không có tác giả, cho nên tỉnh nhanh chóng thực hiện số hóa di sản hát Xoan, phối hợp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa… tư liệu hóa, ký âm các bài bản hát Xoan, ghi âm, ghi hình diễn xướng của các nghệ nhân, từ đó xuất bản các ấn phẩm, đĩa VCD, DVD, tư liệu và lưu giữ tại bảo tàng, phổ biến tài liệu được số hóa trong cộng đồng phường Xoan gốc và các không gian lan toả của hát Xoan.
Biểu diễn hát Xoan, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - (Ảnh: An Khánh)
Hiện nay, hát Xoan đang phát triển rất mạnh mẽ, có gần 40 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ với gần 2.000 thành viên. Đặc biệt, tỉnh còn xây dựng di sản thành sản phẩm du lịch cộng đồng “Hát Xoan làng cổ”, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm tại các làng Xoan gốc và không gian hát Xoan.
Ở một loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Ca trù được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009. Ở các tỉnh lưu giữ nghệ thuật ca trù, dù tổ chức truyền dạy, liên hoan, quảng bá trên phim ảnh, âm nhạc, hội thảo, khôi phục câu lạc bộ ca trù… nhưng 15 năm rồi, ca trù vẫn chưa thoát khỏi ranh giới bảo vệ khẩn cấp.
Ca trù từng rơi vào giai đoạn quên lãng và lay lắt. Giai đoạn 2005-2009 khi chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh, lúc này những nghệ nhân từng thực hành ca trù từ năm 1945 trở về trước, nắm chắc nguyên gốc, thể cách và làn điệu của ca trù còn khoảng hơn 20 người, nhưng thời điểm đó ít người quan tâm học Ca trù. Đến nay lứa nghệ nhân đã ra đi nhiều, ca trù xuất hiện nhiều dị bản.
Với nhiều nguyên nhân và thách thức, các địa phương có ca trù đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thúc đẩy, học tập và bảo vệ ca trù. PGS, TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết: Ca trù là bộ môn nghệ thuật khó học, khó hành. Đào tạo người thực hành di sản và đối tượng công chúng biết thưởng thức di sản vô cùng cần thiết trong việc bảo tồn di sản đúng đắn. Nhà nước chưa có sự đầu tư thích đáng cho loại hình di sản cần bảo vệ khẩn cấp trước nguy cơ các nghệ nhân, người giữ hồn cốt, gốc của di sản dần ra đi.
Mo Mường hay nghệ thuật làm gốm của người Chăm cũng đang đối mặt với các khó khăn chung mà phần lớn các di sản phi vật thể gặp phải. Thực trạng thiếu nghệ nhân truyền dạy, lớp trẻ không mặn mà giữ nghề hay thực hành, hưởng ứng đón nhận, không thấy rõ trách nhiệm trong bảo vệ cho di sản nên di sản cứ thế bị mai một, lãng quên. Trước khi có giải pháp cụ thể cho từng loại hình di sản, cần tuyên truyền, quảng bá để di sản xuất hiện trong đời sống, thu hút sự quan tâm của công chúng, thúc đẩy tìm hiểu, nhận diện về di sản cũng như sự khẩn cấp cần “cứu” lấy di sản như gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…
Ngọc Liên