Bát nước vối quê nhà
Nước vối, thức uống dân dã quen thuộc của người Việt Nam suốt nhiều đời.
Trồng cây vối không cần đất rộng, chúng chỉ cần được trồng cạnh bụi tre và các loại cây lâu năm khác. Để đón ánh sáng mặt trời, thân cây và cành thường phải vươn ra mặt ao nên mỗi cây đều có dáng huyền rất đẹp. Những cây vối lâu năm thân nứt từng mảng lớn, nổi mốc trắng, xù xì.
Hằng năm, vào đầu tháng Hai âm lịch, khi hoa bưởi trong các vườn nhà rụng xuống thì cây vối bắt đầu ra hoa. Sang tháng Tư, vối bắt đầu ra nụ. Nụ vối thon nhỏ như hạt đậu xanh. Vào sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng Năm, lúc mặt trời chưa mọc, người ta hái lá và nụ vối. Người làng bảo, chỉ hái lá và nụ vào khoảng giờ đó thì sau này nấu nước mới ngon. Những nụ còn sót lại sẽ ra quả. Quả vối nhỏ như quả sim, đến tầm tháng Bảy thì chín đỏ, ăn ngọt ngọt chua chua.
Lá vối hái xong cho vào sọt, xung quanh sọt và bên trên phủ lá ráy hoặc lá chuối tươi. Cuộng vối cho vào thúng cái, bên trên phủ vỉ buồm. Lá và nụ ủ 3 - 4 ngày, mở lá chuối thấy nóng tay là lá vối đã chín và cho vào nong phơi khô. Phơi 3 - 4 nắng, thấy giòn tay, người ta cho lá vào giỏ tre để lên gác bếp. Còn cuộng và nụ vối để riêng. Nụ cho vào các vò sành, nút lá chuối khô.
Khi dùng, người ta lấy một lượng lá vối vừa đủ, đem rửa sạch cho vào ấm đất để đun. Và người ta chỉ đun nước vối bằng ấm đất, tôi chưa thấy ai đun bằng nồi nhôm, nồi đồng bao giờ. Đun sôi dăm phút rồi để trên bếp cho nguội dần. Nước vối lần đầu đặc sánh, vàng óng như mật ong, gọi là nước cốt. Người nghiện nước vối, cứ thế rót ra bát sứ hoặc bát đàn để uống, còn phần lớn phải chế thêm nước sôi vào, dùng 3 lần mới bỏ.
Đúc rút từ dân gian cho biết, nước vối uống lành, dễ tiêu hóa, không mất ngủ. Phụ nữ sinh con uống không sôi bụng. Nước vối còn có tác dụng diệt trùng, người xưa dùng nước vối để lau rửa vết thương, các bà mẹ thường đun nước lá vối tắm cho trẻ sơ sinh.
Hằng ngày, ở mỗi nhà, nước vối là loại nước uống chính. Khi có khách đến chơi, nếu hết nước vối, các cụ mới pha nụ vối cho nhanh. Nụ vối cho vào một cái lồng nhỏ đan bằng tre, hoặc một cái túi nhỏ may bằng vải phin trắng rồi cho vào ấm tích để hãm. Khi rót nước, lồng tre và túi vải ngăn không cho nụ vối chảy vào chén.
Ấm đất và bát nước vối từ bao đời nay đã trở nên vô cùng thân thuộc với người dân quê tôi. Mỗi năm, vào cữ tháng Một, tháng Chạp, từ khi trời tờ mờ sương, người làng tôi đã ra đồng để đập đất gieo ngô. Buổi chiều, khi sương buông, mọi người mới lục tục trở về nhà. Khi ra đồng, người ta mang theo cơm bột ngô để ăn, và trong đồ ăn, thể nào cũng có ấm nước vối. Ngoài ra, vào lúc nông nhàn, các ông các bà lại gặp nhau trò chuyện, bao giờ cũng mời nhau bát nước vối. Uống mãi thành quen, người ta có thể bình phẩm, nước vối nhà này phơi và bảo quản khéo, nước có vị ngọt và bùi; còn nhà kia, nước uống có mùi ngai ngái.
Nhưng rồi cuộc sống mấy chục năm qua có nhiều đổi thay. Các ao hồ bị san lấp dần, tiện tay người ta chặt luôn các cây vối. Cảnh cũ dẫu không còn, nhưng lạ thay, bát nước vối gắn bó với tôi từ thuở thiếu thời đã gợi tôi nhớ lại cuộc sống đạm bạc nơi quê hương trước đây. Tháng trước về quê, tôi tìm mua mấy lạng nụ vối, một người làng bảo: “Bây giờ cả làng chẳng còn cây vối nào. Ông đi qua đê, vào nhà ông Ca làng Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp), còn một cây vối to lắm. Không biết ông có bán nụ vối không?”. Ngần ngừ mấy giây, người đó nói tiếp: “Làng sang năm lên phố rồi, bây giờ người ta uống chè Thái Nguyên cho tiện ông ạ!”.
Tôi cũng tìm đến nhà ông Nhì Uyên, năm nay gần 90 tuổi, ở xóm Một, thôn Đại Lan, là người vẫn giữ được cái thú uống nước vối. Gần đây, ông kỳ công thu hái cây vối “bỏ hoang” ở làng Vạn Phúc bên cạnh và tặng tôi món "đặc sản" để gửi cho con đang ở Hàn Quốc. Cầm món quà dân dã, tôi chợt nghĩ, trong những năm gần đây, nhiều giá trị về ăn uống đã được khôi phục. Tại nhiều nhà hàng và các quán nước bên đường, cùng với trà nóng, trà đá, các loại nước có ga, nay có thêm nước vối đá được khách ưa dùng. Tại khắp các chợ ở Hà Nội, đâu cũng có hàng bán lá vối tươi. Khác với xưa, lá vối ngày nay không được ủ phơi nên khi uống, khách tinh ý vẫn thấy có mùi khác lạ.
Bâng khuâng nghĩ lại chuyện uống của làng thay đổi theo thời gian khiến tôi xúc động. Dù sao, không ít người hôm nay vẫn còn lưu luyến một nét hồn cốt của thời đã qua, một thói quen mộc mạc đáng quý có từ nghìn đời.
Trần Văn Mỹ