Bến Tre: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng ven biển
Du khách trải nghiệm hái lá sâm trên cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại. Ảnh: Út Trinh
Chia sẻ kinh nghiệm
Vừa qua, tại huyện Bình Đại, Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức bàn giao dự án “Phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ”. Các chuyên gia từ Thái Lan đã giúp huyện xây dựng mô hình “Du lịch cộng đồng huyện Bình Đại”.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, dự án đã trực tiếp giúp cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn mạnh dạn đầu tư sản phẩm mới; nâng cao chất lượng sản phẩm cũ, chất lượng phục vụ các dịch vụ cho du khách được nâng lên. Du khách hài lòng hơn so với trước khi có dự án.
Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bình Đại Lư Văn Nhường cho biết: “Nổi bật là kết quả đã liên kết các điểm du lịch, các hoạt động du lịch với nhau. Phát triển được 2 sản phẩm du lịch như: tour “2 ngày 1 đêm của Út Trinh - Người Giữ Rừng”, tour “3 ngày 2 đêm của Du lịch homestay Cồn Bà Tư - Biển Thừa Đức - Chùa Vạn Phước - Du lịch sinh thái Ba Lai - Cồn Tàu Tam Hiệp - Homestay Út Trinh”.
Những thay đổi sau khi tham gia chương trình gồm: Truyền tải câu chuyện sản phẩm và thương hiệu các điểm du lịch trên địa bàn huyện đến với du khách thông qua hướng dẫn viên tại điểm để khách hàng hiểu hơn về du lịch cộng đồng Bình Đại. Đưa những nét văn hóa địa phương vào sản phẩm du lịch như: bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể. Về nghệ thuật và ẩm thực của cộng đồng người dân vùng ven biển như: cách bắt hàu, cách mò bắt vọp, trồng cây lá sâm, cách chế biến và thưởng thức, thưởng ngoạn bơi xuồng trên sông, rạch, đi xe đạp trên xã đảo...
Ông Nguyễn Tấn Vàng - Chủ Homestay Người Giữ Rừng, xã Thạnh Phước cho biết: “Chúng tôi luôn giữ quan điểm ngay từ ban đầu là khai thác các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng ngập mặn cả về dịch vụ lẫn sản phẩm. Từ đó, chúng tôi muốn “trả lại” cho rừng ngập mặn những giá trị tích cực thông qua những hoạt động như: trồng cây, trồng rừng, khuyến khích người dân khai thác, đánh bắt thủy sản bền vững và bảo vệ rừng. Khi tham gia chương trình, chúng tôi đã được đến Thái Lan học tập. Khi trở về, chúng tôi hiểu rõ hơn việc mình đang làm và có những bước thay đổi nhỏ và nhận được phản hồi của khách là họ rất thích thú. Chúng tôi cho khách đi bắt hàu, tự tách hàu ra. Đó là, trải nghiệm bằng ngũ quan: thấy, nghe, sờ, bắt, ăn thử”.
Du khách đạp xe tham quan vườn nhãn đặc sản của huyện Bình Đại.
Khai thác thế mạnh, tiềm năng
TS. Nawasit Rakbamrung đến từ Đại học Bhurapha, chuyên gia về du lịch chia sẻ: “Chúng tôi chọn Bình Đại vì huyện có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, sự kết nối tốt giữa chính quyền, doanh nghiệp du lịch và dân cư trên địa bàn. Thái Lan muốn chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam. Để du lịch Bình Đại phát triển, quan trọng nhất là tiếng Anh giao tiếp. Kế đến là sự kết nối của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng với các chuyên gia để hỗ trợ cho huyện Bình Đại phát triển du lịch”. Là một chuyên gia trong ngành du lịch và là khách du lịch đến Bến Tre, ông thích nhất là tấm lòng, sự đón tiếp nồng hậu của người Bình Đại, về thiên nhiên, ẩm thực và các hoạt động tại vườn trái cây.
Huyện Bình Đại đã đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan tiếp tục tập huấn chuyên sâu nội dung “OCOP du lịch, cách tạo dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Cơ chế hoạt động của mô hình du lịch cộng đồng…”, để giúp các đơn vị tham gia dự án hoàn thiện và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng huyện Bình Đại.
Bà Pimwadee Sovaratanapong - Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan cho biết: Dự án đề ra mục tiêu giúp cho tỉnh Bến Tre, huyện Bình Đại phát triển du lịch dựa trên triết lý vừa đủ, phát triển bền vững; trong đó, nhấn mạnh khu vực dừa xanh an toàn và thân thiện. Dự án có 3 giai đoạn, giai đoạn 1, khảo sát đánh giá, chọn huyện Bình Đại; giai đoạn 2, chọn doanh nghiệp có tiềm năng tại huyện Bình Đại đi tham quan thực tế tại những địa điểm có sự tương đồng và tập huấn tại Thái Lan; qua đó, cung cấp tri thức về phát triển du lịch bền vững; giai đoạn 3 chuyên gia Thái Lan đến tổng kết và đánh giá việc thực hiện dự án. Hy vọng thông qua dự án, các doanh nghiệp có thêm được các kiến thức để “Phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ”.
Phát biểu tại buổi bàn giao dự án, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung cảm ơn sự quan tâm của Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan, Đại học Bhurapha đối với Bến Tre. Đặc biệt, sự ủng hộ của Tổng lãnh sự quán Thái Lan đối với lĩnh vực du lịch tại tỉnh, đã chọn tỉnh để thực hiện dự án. Hiện là giai đoạn thứ 3, kết thúc dự án. Sở cam kết tiếp nhận và sử dụng những gì đã gặt hái từ dự án một cách hiệu quả để phát triển bền vững cộng đồng ven biển, góp phần giữ gìn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Thạch Thảo