Bình Định: 3 món ăn dân dã mà ngon
1. Vùng biển các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn)… nổi tiếng với bãi biển đẹp, rạn san hô đa dạng; trong ký ức của du khách cùng với “đẹp” còn là “ngon” bởi những nơi này nhiều món ăn đậm đà chất miền biển. Trước tiên phải kể đến món bánh xèo mực - món ăn có thể nói là xếp vào hàng đặc sản xứ biển.
Món bánh xèo mực tại các vùng biển Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) được du khách hâm mộ. Ảnh: Ngọc Phẻ
Với nguyên liệu chế biến là mực tươi, gạo lúa cũ được ngâm nước đủ lâu và xay nhuyễn để đúc bánh xèo đảm bảo độ ngọt- giòn - ngon tạo nên thương hiệu món ăn này. Trước khi chế biến, khuôn bánh được hong nóng trên lửa than rất kỹ, sau đó cho dầu phụng vào khuôn và đổ mực vào, đảo đều tay cho mực chín và đổ bột, để khoảng 3 phút bánh chín, đủ độ giòn vớt ra khỏi khuôn. Lá bánh cùng với mực còn kèm theo hành tây, giá đỗ, hành hương tươi xắt nhỏ bỏ vào khuôn. Món bánh xèo mực ăn ngay khi còn nóng mới cảm nhận trọn vị ngon ngọt của mực, vị béo ngậy của bột gạo hòa tan trong đầu lưỡi với món chấm là nước mắm tỏi ớt. Để lá bánh thêm đậm đà hương vị người ta thường ăn bánh xèo mực kèm với bánh tráng sống nhúng nước cuốn với rau sống.
2. Đến với vùng đất Tây Sơn - quê hương của Tây Sơn tam kiệt, ngoài món chim mía, dé bò… du khách chớ quên món bánh cuốn. Món bánh cuốn Tây Sơn là sự kết hợp độc đáo giữa các loại nguyên liệu như thịt bò nướng lụi, nem, chả, trứng vịt luộc, đậu hũ chiên, chả ram… được cuốn bánh tráng mỏng kèm rau sống. Điều đặc biệt tạo nên vị ngon của món ăn là chất lượng nước chấm làm từ nước mắm ớt, tỏi, chanh, đường, pha thêm đậu phụng giã nát, khiến cho ai đã từng thưởng thức khó lòng quên được hương vị đậm đà của món ăn hòa quyện với vị mằn mặn, chua chua ngọt ngọt, beo béo của nước chấm ăn kèm.
Món bánh cuốn Tây Sơn trứ danh được chế biến từ nhiều nguyên liệu ăn kèm với món nước chấm đặc trưng. Ảnh: Đào Minh Trung
3. Từ đồng bằng ngược lên miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão để có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng nơi đây. Một trong những món đặc sản vùng núi Bình Định nổi tiếng gần đây được nhiều người biết đến, đó là món heo đen. Heo đen được đồng bào dân tộc thiểu số nuôi theo hình thức bán hoang dã, thức ăn cho heo được chế biến bằng cây chuối rừng, rau củ băm nhỏ, cám heo nấu với mang, ruột cá. Mỗi con heo có trọng lượng tầm 20 - 40 kg/con nhưng thịt săn chắc, thơm ngon.
Món heo đen nướng mang hương vị nồng nàn của núi rừng Bình Định. Ảnh: Minh Tâm
Thịt heo đen được chế biến thành nhiều món, như: Heo hấp xả, heo xào xả ớt, heo quay… song ấn tượng nhất vẫn là món heo nướng trên lửa than. Thịt heo được xắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp với các loại gia vị ớt, xả, tiêu… rồi quấn lá chuối đặt lên bếp than nướng. Mùi khói bếp tỏa nghi ngút khi thịt heo chín tới, hương thơm lan tỏa đủ khiến vị giác kích thích. Thịt heo đen nướng chín, ăn kèm chấm với gia vị là muối ớt rừng giã nát, nhấp thêm chén rượu cần, vị ngọt thơm của thịt heo hòa quyện vị cay nồng của muối ớt, vị đượm thơm của rượu cần cũng đủ khiến cuộc vui nồng nàn hương vị núi rừng.
Đoàn Ngọc Nhuận