Trầu têm cánh phượng - Trọn nghĩa vẹn tình người Quan họ
Những ngày xuân trên quê hương Quan họ, ta không chỉ say đắm cùng làn điệu dân ca ngọt ngào nơi “trên bến dưới thuyền” mà còn quyến luyến hơn khi chứng kiến đương Quan họ liền anh lịch thiệp mời đương Quan họ liền chị xơi trầu một cách đầy trân trọng:
“Nhất niên, nhất lệ, năm mới tháng xuân, anh em chúng tôi có cơi trầu mời đương Quan họ.
Trầu này trong tráp mở ra
Giấu thầy, giấu mẹ đem ra mời người
Xin mời đương Quan họ người xơi khẩu trầu, rồi cho anh em chúng em được học đòi đôi lối, đôi câu”.
Việc nhận trầu chỉ được thực hiện khi bên trai đằng gái dường như đã tìm thấy sự “tâm đầu ý hợp”, mở đầu cho canh hát giao duyên mê đắm lòng người nơi đông hội. Phải chăng tình yêu làm họ gắn bó, hòa quyện cùng nhau làm nên mùi vị miếng trầu mới thơm cay, cái hơi men mới nóng bừng trong sắc đỏ đẹp tươi ấy: “Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm!”.
Nhưng không hiếm lúc đương Quan họ liền chị từ chối “câu thính” của những liền anh. Dù bên ấy có nhiều câu hay ít vốn, các liền chị vẫn khiêm nhường, trọng bạn mà rằng: “Chị em chúng em còn cả sữa non măng, ăn giầu đã vậy, biết nói năng thế nào”. Ấy chính là nét duyên dáng, ý nhị mà sâu sắc trong lối giao tiếp, đạo xử thế thường thấy của các liền chị nơi miền quê Quan họ Kinh Bắc.
Cũng lại có khi hai bên lại quen hơi bén tiếng, trai gái cũng mượn miếng trầu để ngỏ tình ngỏ ý:
“Từ ngày ăn phải miếng trầu,
Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.”
Chỉ “ba đồng một mớ trầu cay”, tuy thế cũng rất có thể đôi nam nữ lại bén duyên nhờ có “miếng trầu nên dâu nhà người”.
Ngày nay, để răng trắng hay vì ngại vị đắng, có thể nhiều người không biết ăn trầu, nhưng theo phong tục Kinh Bắc - Bắc Ninh, trong ngày hỏi cưới, giỗ chạp… nhà ai cũng có miếng trầu têm khéo léo. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên dẫu ăn được hay không ăn cũng chẳng ai chối từ:
“Cho anh một miếng trầu vàng
Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm”.
Ánh Võ