Hoạt động của ngành

Bình Định: Giữ gìn và phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Cập nhật: 15/09/2021 14:05:27
Số lần đọc: 754
Bảo vật quốc gia tại tỉnh ta là những hiện vật góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.


Bình Định có 8 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, hầu hết là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa. Trong số này, có 5 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (công nhận năm 2015), phù điêu thần Brahma (công nhận năm 2016), cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn (công nhận năm 2017), phù điêu nữ thần Sarasvati (công nhận năm 2020); 3 bảo vật còn lại là tượng thần Shiva (tượng Phật lồi - công nhận năm 2018) lưu giữ ở chùa Linh Sơn (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) và cặp tượng hộ pháp (Dvarapala - công nhận năm 2019) lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).


Phù điêu thần Brahma - bảo vật quốc gia đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh:
Ngọc Nhuận

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cùng với việc đảm bảo giá trị thẩm mỹ trong trưng bày 5 bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh còn xây dựng các tấm pano, ấn phẩm quảng bá bảo vật quốc gia, làm mới phương pháp trưng bày, nội dung thuyết minh chuyên sâu. Với các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, chùa Linh Phong, Bảo tàng tỉnh đã hướng dẫn các chùa, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc giữ gìn, bảo quản an toàn bảo vật.

Ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, cho biết: “Chùa Linh Sơn được xây dựng khang trang, tượng Phật lồi đặt thờ trang trọng trong chánh điện gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và phục vụ du khách đến chiêm ngưỡng, nên được nhà chùa giữ gìn, chăm nom cẩn thận và đã lắp 6 camera an ninh để theo dõi bảo vệ. Xã cũng thường xuyên nhắc nhở nhà chùa thực hiện tốt việc bảo vệ; kịp thời báo cáo, thông tin tới cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về các vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo vệ bảo vật quốc gia”.


Phù điêu thần hộ pháp (Dvarapala) vừa được Tỉnh trình hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Ảnh: Ngọc Nhuận

Ngày 25.8, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ VHTTDL xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật phù điêu thần hộ pháp (Dvarapala) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ông Bùi Tĩnh chia sẻ thêm: “UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương đầu tư xây dựng mới Bảo tàng tổng hợp tỉnh (tên mới của Bảo tàng tỉnh sau này) tại địa điểm Nhà văn hóa Lao động tỉnh hiện tại. Trong tương lai, bảo tàng mới với kiến trúc hiện đại sẽ có không gian trang trọng trưng bày riêng các bảo vật quốc gia với thiết bị bảo quản, hệ thống chiếu sáng hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách nước ngoài nhằm tôn vinh, phát huy giá trị bảo vật quốc gia”.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, Giám đốc Sở VHTT Tạ Xuân Chánh cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp các đơn vị trực thuộc Sở VHTT tổ chức xây dựng, hoàn thiện phương án cụ thể về bảo quản bảo vật quốc gia trình UBND tỉnh, Bộ VHTTDL xem xét, phê duyệt; đặc biệt lưu ý bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Việc thực hiện phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật bảo quản và có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học, chuyên gia về bảo quản bảo vật quốc gia. Đồng thời xây dựng đề án để trình UBND tỉnh ban hành nhằm triển khai các chương trình riêng về quảng bá, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, cũng như di sản văn hóa của tỉnh.

Đoàn Ngọc Nhuận

 

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục