Bình Định: Huyền bí tháp Dương Long
Nằm giữa địa phận của hai thôn An Chánh, xã Bình Tây và Vân Tường, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), cách TP Quy Nhơn khoảng 50 km, cụm tháp này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII. Tháp Dương Long nổi bật lên trong số các di tích tháp cổ Champa không chỉ ở kiến trúc đồ sộ, mà còn ở hình dáng đặc biệt của từng tòa tháp. Trong đó, tháp giữa (cao 42 m) thờ thần Siva, tháp Nam (cao 36 m) thờ thần Visnu và tháp Bắc (cao 34 m) thờ thần Brahma. Là cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á, tháp Dương Long mang yếu tố đặc trưng của phong cách tháp Chăm Bình Định. Đặc biệt là các họa tiết hoa văn được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt trên đỉnh tháp, đây là sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu khắc đá Champa truyền thống với kỹ thuật điêu khắc Khmer-Angkor. Điều này đã tạo nên một lối kiến trúc vừa mềm mại đơn giản, lại vừa phức tạp, cầu kỳ. Bên cạnh đó, kiến trúc của tháp Dương Long cũng có một chút ảnh hưởng từ văn hóa Đại Việt qua các hình tạc thủy quái Makara với nét giống hình ảnh con rồng thời Lý-Trần.
Từ xa, tháp Dương Long hiện lên giữa nền xanh mướt của đồng lúa, như một điểm nhấn độc đáo góp phần tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên nơi này. Vì thế đây là một trong những chương trình khám phá văn hóa lịch sử Bình Định được rất nhiều du khách quan tâm và tìm hiểu, bên cạnh những làng nghề chế tác gốm nổi tiếng của người Chăm như Gò Cây Ké, Gò Hời…
Trải qua hàng thế kỷ với bao thăng trầm, sự tàn phá của chiến tranh, ngày nay quần thể tháp đã bị hư hỏng khá nhiều, nhưng nét kiến trúc độc đáo vẫn không phai mờ. Là công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa cổ xưa của vương quốc Champa, tháp Dương Long được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980, sau này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nếu du lịch Bình Định, du khách không nên bỏ qua cơ hội tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của cụm tháp này.
Bài và ảnh: Quốc Thái