Bình Định: Về miền Tuy Phước
Từ trung tâm TP Quy Nhơn, đi xe máy dọc theo tuyến QL 19 mới chừng dăm phút, bạn đã đến địa phận Tuy Phước. Bên phải đường là Tiểu chủng viện Làng Sông cổ kính nằm nép mình dưới những tán cây cổ thụ, hai bên là những đồng lúa xanh mơn mởn đang vươn mình rì rào theo gió, những con đường bê tông uốn lượn quanh khu dân cư nằm ven đầm Thị Nại thơ mộng, phía chân trời những cánh rừng ngập mặn xanh ngắt vươn mình trong nắng. Đứng trên cầu Hà Thanh 7, bạn thỏa sức ngắm cảnh để ghi lại những khung cảnh đồng quê yên bình cách thành phố không xa.
Những cành hoa giấy khoe sắc thắm trên đường cũng khiến du khách khoan khoái khi đến làng hoa thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp. Ảnh: Ngọc Nhuận
Tiếp tục hành trình di chuyển về ngã tư cầu Tuy Phước, rẽ phải theo ĐT 640 tới ngã ba thôn Phụng Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) bạn tiếp tục rẽ trái đi tầm 15 phút nữa là đến làng hoa Xuân Mỹ (thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp). Hạ tay ga đi chầm chậm vào cổng thôn, bạn sẽ bất ngờ với những hàng hoa giấy được trồng trước cổng nhà dân chạy dọc con đường trải nhựa phẳng phiu. Từng chùm hoa giấy khoe sắc đỏ hồng đung đưa dưới nắng, khung cảnh bình yên khiến lòng người khoan khoái lạ thường. Người dân Xuân Mỹ thật thà, chất phát sẽ chỉ dẫn tận tình đường đi từ Nhà văn hóa thôn Xuân Mỹ ra tới đồng hoa.
Ao sen có chiếc cầu tre do Ban nhân dân thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp làm để du khách có thêm điểm check-in khi đến đây. Ảnh: Ngọc Nhuận
Những ruộng hoa vạn thọ, hoa huệ, hoa cúc rực rỡ sắc màu chen lẫn trên ruộng lúa xanh tạo nên một bức tranh đồng quê đầy màu sắc bình dị. Trên cánh đồng hoa, bà con nông dân cười nói rôm rả và đôi tay vừa tưới nước, bón phân trên những luống hoa đang thời kỳ chăm sóc. Thật bất ngờ khi đặt chân đến làng hoa Xuân Mỹ đó là khung cảnh một ao sen hồng được bài trí thêm chiếc cầu tre bắt qua ao. Càng thú vị hơn khi người dân nơi đây cho biết Ban nhân dân thôn đã tự trồng ao sen và làm chiếc cầu tre ấy để du khách đến tham quan làng hoa Xuân Mỹ có thêm chỗ check-in.
Mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn nằm trên núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa. Ảnh: Ngọc Nhuận
Rời làng hoa Xuân Mỹ quay về lại theo ĐT 640, đến chân cầu Huỳnh Mai (xã Phước Nghĩa) - nơi yên giấc của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Lần theo bảng chỉ dẫn đường vào mộ cụ Đào, đến dưới chân núi Huỳnh Mai để xe, men theo những bậc đá cong lượn dẫn đến lưng chừng núi sẽ thấy ngôi mộ “hậu tổ tuồng” Đào Tấn. Ngôi mộ của vị danh nhân được xây dựng khá đơn giản trên ngọn núi Huỳnh Mai nằm thoai thoải, đứng từ đây nhìn về phía xa là đồng bằng trải dài, cảnh quê thơ mộng, chợt thấy lòng bình yên giữa chốn sơn thanh thủy tú. Dưới chân núi, con sông Tranh - một nhánh sông Côn uốn lượn mềm mại như dải lụa từ núi đổ về làng mạc trù phú yên bình trong nắng mới, nhìn về hướng Nam cách chừng vài cây số là thôn Vinh Thạnh (xã Phước Lộc) là quê hương của Đào Tấn, chính nơi đây ông đã chào đời, lớn lên và từ quan lui về ở ẩn đến cuối đời.
Rời núi Huỳnh Mai, xuôi về Phước Thuận, bạn có thể ghé đến tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông - một công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu hơn trăm năm tuổi nằm giữa một không gian yên bình; tham quan ngôi chùa “đệ nhất võ học” - đó là chùa Long Phước. Ngoài các danh lam thắng cảnh, bạn có thể ruổi rong xe máy chạy dọc theo triền đê của xã Phước Thuận để tìm hiểu đời sống ngư dân vùng ven đầm Thị Nại, dừng chân ghé lại chợ chiều của thôn quê để mua những con tôm tí tách búng trên tay, từng con cua, con cá tươi rói nằm trong rổ được ngư dân đánh bắt mới đưa về bờ, rồi về nhà chế biến những món ăn từ hải sản tươi để cùng thưởng thức với gia đình. Một chuyến đi thư giãn dạo cảnh, vừa mua được hải sản tươi, thật thú vị dường nào!
Đoàn Ngọc Nhuận