Khám phá cảnh đẹp 10 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất Việt Nam
1. Bắc Ninh (822,71 km2): Vùng đất của những câu ca quan họ, hát giao duyên liền anh, liền chị. Tới Bắc Ninh, du khách sẽ được ngắm những thắng cảnh trời phú, tìm về nguồn cội với các di tích cổ xưa.
Điểm đến: làng tranh Đông Hồ, chùa Phật Tích, Đình Bảng, Đền Đô, chùa Dâu, Hội Lim...
Ẩm thực: Bánh phu thê, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh đa kế.
2. Hà Nam (860,5 km2): Mảnh đất địa linh nhân kiệt, Hà Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và làng nghề truyền thống.
Điểm đến: Nếu có dịp ghé thăm Hà Nam, bạn hãy ghé thăm nhà của Bá Kiến (xóm 11, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), địa danh gắn liền với tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Từ tháng 1 tới tháng 3, nơi đây có nhiều lễ hội truyền thống như: Hội làng Duy Hải, hội Dương Hồ, hội làng Gừa...
Tới Hà Nam, du khách có dịp tham quan vãn cảnh chùa Bà Đanh - núi Ngọc, Đền Trúc - Ngũ Động Sơn, Kẽm Trống, làng trống Đọi Tam, làng dệt lụa tơ tằm Nha Xá...
Ẩm thực: Cá kho làng Vũ Đại, chim to dần, bánh cuốn Phủ Lý, mắm cáy Bình Lục, rượu làng Vọc, bún Tái Kênh, chuối ngự Đại Hoàng, quýt Lý Nhân.
3. Hưng Yên (926,0 km2): Là mảnh đất có truyền thống hiếu học, nơi đây là quê hương của rất nhiều nhà khoa bảng và nhân sĩ yêu nước.
Điểm đến: Phố Hiến nơi lưu giữ giá trị lịch sử, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn các quần thể kiến trúc lớn như: chùa Hiến, đền Mẫu, hồ Bán Nguyệt, chùa Chuông, văn miếu Xích Đằng. Mỗi một công trình đều ẩn chứa những giá trị văn hóa đặc sắc.
Làng Nôm lưu giữ nhiều nét kiến trúc cổ xưa; đền Chử Đồng Tử nơi thờ Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung; làng nghề Thủ Sỹ, chùa Phúc Lâm...
Ẩm thực: Tháng 7, Hưng Yên nổi tiếng với mùa nhãn lồng và những vườn sen nở mênh mông. Sự kết hợp giữa nhãn và hạt sen cho ra đời món chè sen long nhãn ngon mát lành. Ngoài ra, du khách có dịp thường thức chả gà tiểu quan, bánh răng bừa Phụng Cưa.
4. Vĩnh Phúc (1.238,6 km2): Vùng đất Vĩnh Phúc từng giữ vị trí trung tâm của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, cùng với Phú Thọ là nơi sinh tụ đầu tiên của cư dân nước Việt.
Điểm đến: Tam Đảo là khu nghỉ mát được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây được ví như "Đà Lạt của miền Bắc" hay "Sa Pa thứ hai" của Việt Nam.
Ngoài Tam Đảo, ở Vĩnh Phúc còn nhiều điểm đến thú vị như: Hồ Đại Lải, làng hoa Mê Linh, khu du lịch Đầm Vạc, làng gốm Hương Canh.
Ẩm thực: thịt bò tái kiến đốt, rau su su, cá thính Lập Thạch, rượu dừa Yên Lạc, đậu rùa Tuân Chính, Vĩnh Tường, cá thèo, cá trôi suối, cá bống suối và các món cá suối kho ăn với cơm niêu, rau su su, hoa nghệ xào lăn.
5. Đà Nẵng (1.285,4 km2): Được coi là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, Đà Nẵng là thành phố du lịch mang tầm vóc quốc tế.
Điểm đến: Đà Nẵng là thành phố có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ngũ Hành Sơn, Đảo Cù lao Chàm, sông Hàn; nhiều cây cầu với lối kiến trúc độc đáo: cầu Rồng, cầu Sông Hàn…
Đà Nẵng có nhiều khu vui chơi: Bà Nà Hills, Asia Park – Sunworld Đà Nẵng Wonders, Bảo tàng 3D TrickEye, suối khoáng Thần Tài...
Ẩm thực: Mì Quảng, bánh xèo tôm nhảy, bún chả cá, bún mắm, bánh canh ruộng, cao lầu, cơm gà...
6. Ninh Bình (1.378.1 km2): Là mảnh đất di sản nổi tiếng, Ninh Bình được biết đến với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - quần thể danh thắng Tràng An cùng nhiều địa danh hấp dẫn khác.
Điểm đến: nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, Hang Múa, chùa Bái Đính, động Am Tiên, vườn chim Thung Nham.
Ẩm thực: Cơm cháy ruốc, thịt dê núi, xôi trứng kiến, bún mọc, rượu cần Nho Quan, cá kho gáo, miến lươn, cua đồng rang lá lốt, bánh trôi.
7. Cần Thơ (1.409,0 km2): là đô thị lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, hấp dẫn du khách nhờ vẻ đẹp bình dị của đời sống miền sông nước.
Điểm đến: chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, vườn cò Bằng Lăng, nhà cổ Bình Thủy, làng du lịch Mỹ Khánh, bãi biển Cần Thơ, miệt vườn trái cây, làng hoa Bà Bộ, chợ đêm Tây Đô, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, bảo tàng Cần Thơ.
Ẩm thực: nem nướng Cái Răng, bánh Cống, bánh tét lá cẩm, ốc nướng tiêu xanh, ba khía rang me, sủi cảo A Chảy, bánh hỏi mặt võng Phong Điền, hủ tiếu khô Sa Đéc, bánh xèo củ hủ dừa, bánh tằm bì, cá kèo nướng ống sậy, lẩu cá linh bông điên điển...
8. Vĩnh Long (1.475 km2): Nằm trọn trong lưu vực sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long mang những nét đặc trưng của thiên nhiên và văn hóa miền Tây.
Điểm đến: Khu du lịch Vinh Sang, chợ nổi Trà Ôn, cầu Mỹ Thuận, Văn Thánh Miếu, khu sinh thái nhà xưa, cù lao An Bình, chùa cổ Long An, chùa Tiên Châu, vườn kinh phật bằng đá...
Ẩm thực: Cá tai tượng chiên xù, khoai lang mắm sống cuốn lá cách, cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng, bánh tráng nem cù lao Lục Sĩ, cá út nấu canh chua, nấm mối, cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua, cá lăng nấu canh chua, gà hấp rượu, lẩu cua đồng...
9. Hải Phòng (1.527,4 km2): Hải Phòng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời cũng có nhiều thắng cảnh đẹp.
Điểm đến: Các địa danh nên ghé thăm ở “thành phố Hoa phượng đỏ” là đảo Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn, di tích Bạch Đằng Giang, Bảo tàng Hải Quân, đền Nghè, vịnh Lan Hạ, đảo Hòn Dấu, bến tàu không số K15, Núi Voi...
Ẩm thực: Bánh đa cua, lẩu cua, hải sản, bánh mì cay, bánh đúc Tàu, nem cua bể, giá bể xào, bánh bèo, thạch găng, bì bò...
10. Thái Bình (1.570,5 km2): miền “quê lúa, đất nghề”, nơi nền văn hóa lúa nước đã phát triển rực rỡ trong sử Việt. Di sản của nền văn hóa này là nhiều đền chùa cổ và sự thịnh hành của nghệ thuật chèo, múa rối nước.
Điểm đến: Chùa Keo, nhà thờ Bác Trạch, biển Đồng Châu, biển Cồn vành, biển Cồn Đen, đền Đồng Xâm và làng chạm bạc Đồng Xâm, làng vườn Bách Thuận.
Ẩm thực: Bánh cáy làng Nguyễn, gỏi Nhệch Thái Thuỵ, canh cá Quỳnh Côi.../.
Minh Anh (Tổng hợp)