Bình Liêu: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Lễ rước thành hoàng Hoàng Cần tại lễ hội đình Lục Nà năm 2019. Ảnh: Nguyễn Dung
Trước xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Bình Liêu là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng.
Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đồng bào các dân tộc đã đóng góp công sức, trí tuệ nên đã đạt được kết quả quan trọng. Công tác quản lý các di tích văn hóa, cơ sở tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan tỏa, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia…
Năm 2018, huyện Bình Liêu đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng đến 3 tộc người (Tày, Dao và Sán Chay) có dân số khoảng 5.000 người trở lên sinh sống tập trung trên cùng địa bàn, có phong tục, tập quán truyền thống lâu đời.
Nhằm từng bước tái tạo lại không gian văn hóa truyền thống của người Tày thành “bảo tàng sống” ở Đồng Thanh, huyện Bình Liêu đã tập trung bảo tồn cả bản với tổng diện tích 291,5ha, trong đó vùng lõi bảo tồn khoảng 71ha; đặc biệt là bảo tồn 8 căn nhà còn giữ được các nét văn hóa kiến trúc của người Tày và không gian tín ngưỡng thờ cúng. Huyện phấn đấu đến năm 2020, xây dựng bản Đồng Thanh thành bản văn hóa - du lịch đặc trưng kiểu mẫu, bản nông thôn mới chất lượng cao. Cùng với đó, triển khai thí điểm trùng tu, nâng cấp một số căn nhà cổ để làm homestay; quy hoạch và tổ chức trồng hoa, tạo cảnh quan du lịch; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn…
Căn nhà của ông Phan Ngọc Sinh được xem như “bảo tàng” thu nhỏ của tộc người Tày ở đây. Căn nhà này trải qua 5 đời người, tồn tại đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Bên cạnh những nét kiến trúc đặc trưng của người Tày, căn nhà còn lưu giữ nhiều vật dụng, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất có tuổi đời từ rất lâu. Ông Sinh cho biết: Vì muốn giữ lại những nét văn hóa đại diện của dân tộc để con cháu đời sau biết về nguồn cội, gốc gác, nên nhiều năm nay tôi không phá dỡ để xây nhà mới cũng như chưa tu sửa gì nhiều. Tôi cũng căn dặn con, cháu phải giữ nguyên ngôi nhà này như vốn quý.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các không gian văn hoá dân tộc tiêu biểu tại Bình Liêu đáp ứng được nhu cầu phát triển mới; hài hoà lợi ích với các nội dung của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển du lịch, huyện đã xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; ngăn chặn sự xuống cấp và mất mát các di sản văn hóa.
Huyện Bình Liêu cũng đang hướng đến phát triển mô hình Làng văn hoá - du lịch với hình thái cấu trúc không gian và các cơ chế chính sách phù hợp có thể gắn kết hài hoà giữa văn hoá và du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, gắn kết bản sắc văn hoá dân tộc với các tour du lịch tại địa phương. Xây dựng, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước hình thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tạo thêm giá trị kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư trên địa bàn./.