Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Liên kết phát triển du lịch để khai thác các thị trường khách

Cập nhật: 11/03/2024 15:43:49
Số lần đọc: 446
Tuyến cao tốc đường bộ qua địa bàn tỉnh (đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo) chính thức thông xe trong năm 2023 đã tạo thêm lợi thế hút khách cho điểm đến Bình Thuận, nhất là với các tỉnh thành gần ở khu vực phía Nam. Sau khi Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch địa phương tiếp tục tính đến khai thác những thị trường khách xa hơn…


Kỳ vọng điểm đến hàng đầu

Có thể nói, kết quả toàn tỉnh đón 8,35 triệu lượt khách trong năm vừa qua (tăng xấp xỉ 46% so năm trước đó) là do địa phương tận dụng nhiều yếu tố thuận lợi, như: Đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh, các đoạn cao tốc đường bộ được đưa vào khai thác. Đặc biệt vào cao điểm du lịch hè 2023, bình quân mỗi tháng nơi đây đón hơn 800.000 lượt khách nhờ thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến “thủ đô resort” được rút ngắn đáng kể, chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ… Qua 2 tháng đầu năm nay, Bình Thuận ghi nhận có gần 1,45 triệu lượt khách (tăng 7,3% so với cùng kỳ) đến nghỉ dưỡng tại địa phương, riêng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn thu hút 205.000 lượt khách tham quan, lưu trú (tăng 28% so dịp tết năm ngoái). Thực tế cho thấy, lượng khách chọn dừng chân tại vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ trong thời gian gần đây phần lớn đến từ thị trường khách tiềm năng nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Bình Thuận là điểm đến hút khách ưa chuộng thể thao giải trí trên biển. Ảnh: N.Lân

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vừa qua UBND tỉnh đã chính thức tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, quy hoạch thời kỳ mới đã đặt mục tiêu: Tạo bước phát triển đột phá về mọi mặt để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế. Ngoài ra du lịch Bình Thuận cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước…

Với kỳ vọng điểm đến hàng đầu của khu vực, Bình Thuận đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách vào năm 2030 (trong đó khách quốc tế chiếm 15 - 20%) cùng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 63.000 tỷ đồng. Trước mắt trong năm 2024 này, địa phương nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đón 9,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 320.000 lượt) với tổng doanh thu trên 25.000 tỷ đồng, qua đó giữ vững vị trí là một trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước…

Với chiều dài hơn 190 km bờ biển, Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch (Ảnh minh họa).

Liên kết để thu hút khách

Theo quy hoạch phát triển du lịch Bình Thuận, để hoàn thành các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu tăng thêm qua mỗi năm, thì bên cạnh nâng cao sức cạnh tranh hút khách từ các tỉnh, thành phía Nam, Bình Thuận còn phải khai thác những thị trường khách xa hơn. Trong đó có tính đến hình thành liên kết phát triển theo chiều dọc (hướng Bắc - Nam) gắn với đường sắt quốc gia Bắc - Nam và tuyến đường bộ nhằm phát huy tối đa thế mạnh du lịch biển - đảo, thể thao trên biển, phong cảnh và ẩm thực miền biển… Nhất là liên kết với Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển gồm nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí biển...

Còn theo chiều ngang (hướng Đông - Tây) sẽ ưu tiên phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa các dân tộc vùng Tây nguyên và khai thác cảnh quan tự nhiên, tiềm năng du lịch rừng núi gắn với du lịch biển Mũi Né. Hướng liên kết này vừa tập trung thu hút thị trường khách các tỉnh Tây nguyên, đồng thời tiếp cận thị trường khách Lào, Thái Lan và Campuchia qua cửa khẩu quốc tế ở các tỉnh này… Trong khi liên kết “tam giác du lịch” Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo hướng liên kết tour tuyến nhằm kết nối sản phẩm tiêu biểu “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Phan Thiết” để đẩy mạnh thu hút các đối tượng khách đến tham quan, trải nghiệm nét đặc trưng của 3 địa phương.

Dự kiến theo đường không, sau khi sân bay Phan Thiết bắt đầu đưa vào hoạt động sẽ kết nối Bình Thuận với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… để tập trung khai thác các thị trường khách tiềm năng trong nước.

Đ.Quốc

Nguồn: Báo Bình Thuận - baobinhthuan.com.vn - Đăng ngày 11/3/2024

Cùng chuyên mục