Bình Thuận: Phú Quý một lần thương
Sau hai giờ rưỡi đi tàu siêu tốc Superdong Phú Quý I từ cảng Phan Thiết, cả nhóm đến một homestay thuộc xã Long Hải. Căn nhà giữa làng chài kề biển được sửa sang để đón khách du lịch, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ giản dị, mộc mạc. Cảnh quan chung quanh yên bình và đẹp đẽ. Buổi chiều, chỉ cần đi bộ quanh chỗ nghỉ thôi cũng đầy ắp trải nghiệm. Chúng tôi đi tắm biển và nhanh chóng làm quen với lũ trẻ trong làng, cười đùa với nhau vui vẻ và hồn nhiên dưới làn nước. Nước biển mát rượi, trong xanh mầu ngọc bích, một mầu xanh khá hiếm thấy ở các vùng biển trong đất liền.
Thức dậy thật sớm để đón bình minh trên biển có lẽ là điều du khách nào cũng muốn làm. Chúng tôi cũng vậy và dành trọn một ngày tiếp theo để tham quan Phú Quý bằng chiếc xe máy thuê của người dân. Điểm đến đầu tiên là cột cờ chủ quyền Tổ quốc, để tận mắt ngắm nhìn một công trình không chỉ đẹp mà còn mang đầy ý nghĩa lớn lao, xúc động. Rồi đến Dinh mộ Thầy (còn gọi là đền thờ Thầy Sài Nại), nơi thờ cúng quan trọng của cư dân xứ đảo. Ở đây dường như ai cũng thuộc lòng câu chuyện về nhân vật có thật trong lịch sử này, người đã được kính trọng, tôn thờ trong nhiều thế kỷ. Tiếp tục ghé ngọn hải đăng Núi Cấm, chúng tôi phải gửi xe và leo bộ lên hơn 120 bậc thang bằng đá uốn lượn theo sườn núi nhưng đổi lại là tầm nhìn toàn cảnh từ trên cao, thấy được nhiều góc thơ mộng của đảo Phú Quý, cũng như biển khơi mênh mông ngoài xa lấp lánh ánh mặt trời.
Cuối ngày, chúng tôi đến Gành Hang và có được những tấm hình ấn tượng bên vách đá đen sừng sững, dưới chân là những con sóng va đập, bọt tung trắng xóa, để rồi tiếp tục ngâm mình dưới làn nước êm ả của bãi tắm Bãi Nhỏ ngay cạnh. Không hứa hẹn trước nhưng trong lòng ai cũng muốn trở lại lần nữa, để thăm những con người chân chất, đáng yêu cùng thiên nhiên nơi biển đảo hoang sơ, trong lành này.
Nhàn Hạ