Non nước Việt Nam

Ðình Yên Thái và hình bóng Nguyên phi Ỷ Lan

Cập nhật: 22/07/2022 13:49:21
Số lần đọc: 946
Nằm giữa khu phố cổ sầm uất bậc nhất Hà Nội, đình Yên Thái (ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm) là nơi thờ phụng đức Nguyên phi Ỷ Lan, một trong những bậc nữ lưu kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam. Nguyên phi cũng là người từng hai lần buông rèm nhiếp chính, giúp vua Lý Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm. Với tài năng, đức độ và những cống hiến to lớn cho đất nước, đức Nguyên phi Ỷ Lan được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”, được thờ phụng tại nhiều nơi trên cả nước, được dân làng Yên Thái tôn làm Thành hoàng làng.


Đình Yên Thái, nơi thờ phụng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.

Từ cô gái hái dâu đến bậc “mẫu nghi thiên hạ”

Từ khu phố Hàng Bông sầm uất, rẽ vào con ngõ nhỏ Tạm Thương vài trăm mét, du khách sẽ được thưởng ngoạn nét đẹp cổ kính của đình Yên Thái, ngôi đình cổ được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Đình là nơi thờ phụng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Nguyên phi của đức vua Lý Thánh Tông.

Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mồng 7 tháng Ba năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi (còn gọi là làng Sủi, xưa thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong hơn nửa thế kỷ (1063-1117) bà trở thành Nguyên phi rồi Hoàng Thái hậu, Nhiếp chính Triều Lý, đức Nguyên phi Ỷ Lan là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế, trọng nông, thương dân, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được nhân dân xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.

Sử cũ chép rằng, đức vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, thân hành đi cầu tự. Một sớm mùa xuân, vua viếng thăm chùa Dâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trai gái, già trẻ các làng nô nức ra rước vua. Duy có cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng”. Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác người, vua cho cô gái theo long giá về kinh đô. Người cũng cử một nữ học sĩ dạy học cho Yến Nương, phong làm Ỷ Lan phu nhân, gọi cung của nàng là Ỷ Lan. Nền cũ của cung Ỷ Lan nay là chùa Kim Cổ (phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm).

Tháng Giêng năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh hạ hoàng tử, lấy tên là Kiền Đức (chính là vua Lý Nhân Tông), được vua phong làm Nguyên phi.

Năm Kỷ Dậu (1069), giặc Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi nước ta, vua Lý Thánh Tông trực tiếp cầm quân đánh giặc, Thái tử còn nhỏ, vua giao cho Nguyên phi Ỷ Lan trông nom và cai quản triều chính.

Năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông ốm nặng rồi qua đời, Kiền Đức lên ngôi vua, tôn mẹ làm Hoàng Thái hậu Linh Nhân. Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu buông rèm nhiếp chính, cùng hai danh tướng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành điều hành việc nước.

Sử cũ đã ghi, trong những năm trị vì đất nước, Nguyên phi Ỷ Lan đã có nhiều chính sách đem lại ấm no, hạnh phúc, yên vui cho nhân dân Đại Việt. Bà cũng là người tinh thông Phật pháp và có những đóng góp to lớn trong việc mở mang, xây dựng chùa chiền. Trong cả hai lần buông rèm nhiếp chính, đức Nguyên phi Ỷ Lan đều hoàn thành sứ mệnh, được vua khen ngợi, các quan trong triều khâm phục, nhân dân quý trọng.

Ngày 25 tháng Bảy năm Đinh Dậu (1117), Nguyên phi Ỷ Lan mất, thi hài được hỏa táng theo nghi lễ nhà Phật. Vua dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, táng ở Thọ lăng Thiên Đức (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay).

Đến nay, trên cả nước còn 72 nơi có đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan. Tại Hà Nội có chùa Kim Cổ ở 73 Đường Thành, đình Yên Thái (ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm); đền làng Sủi (xã Phú Thị), đền Dương Xá (xã Dương Xá) huyện Gia Lâm... đều phụng thờ đức Nguyên phi.

Đức Nguyên phi Ỷ Lan không chỉ được suy tôn là “Như Lai xuất thế”, “Lý triều Thiên Nam Đệ nhất”, mà còn được người dân tôn làm Thành hoàng của làng Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm). Ghi nhớ công lao to lớn của bà, dân làng Yên Thái đã lập đền thờ, đời đời hương khói phụng thờ và lưu truyền cho con cháu đời sau về công lao to lớn của bà.

Góp phần lưu giữ dấu xưa

Căn cứ vào 7 đạo sắc phong được lưu giữ nguyên vẹn tại đình Yên Thái, sắc có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng thứ 14 (1753), sắc muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924), có thể đoán định đình Yên Thái được xây dựng trước đó hàng trăm năm.

Quy mô kiến trúc chính của đình được xây dựng kiểu chữ công. Mở đầu kiến trúc là 3 gian tiền đình, một gian ngoại cung nối liền với 3 gian hậu cung. Gian chính giữa đặt tượng thờ bà Chúa (đức Nguyên phi Ỷ Lan), bên trái thờ tượng Mẫu, bên phải thờ Phật.

Nghệ thuật kiến trúc của đình Yên Thái  tập trung ở ba gian tiền tế với bộ khung vì kèo, được chạm khắc độc đáo với thủ pháp chạm nổi, chạm lộng với đề tài truyền thống tứ linh, rồng cuốn thủy.

Bài ký trên bia “Báo ơn công đức” đắp tại đình có ghi: “Đình được tu bổ năm Tự Đức thứ 10 (1857), đến năm 1926, đình được làm thêm ngoại cung (ống muống)”. Năm 2000, trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, đình Yên Thái đã được tôn tạo xứng với giá trị lịch sử lâu đời gắn với cuộc đời và sự nghiệp của đức Nguyên phi Ỷ Lan. Năm 1995, đình Yên Thái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Hằng năm, lễ hội truyền thống đình Yên Thái được tổ chức vào các ngày từ 15 đến 17 tháng Ba và từ 23 đến 25 tháng Bảy (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Hội đình diễn ra với đầy đủ các nghi thức. Phần lễ gồm lễ rước trang trọng, lễ tế uy nghiêm và phần hội có đủ tích chèo cho người dân và du khách thêm hiểu về lịch sử ngôi đền cổ gắn với cuộc đời Nguyên phi Ỷ Lan.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, hằng năm, quận Hoàn Kiếm đều trang trọng tổ chức Lễ dâng hương vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Nguyên phi Ỷ Lan tại đình Yên Thái. Việc duy trì những hoạt động tế lễ uy nghiêm theo truyền thống có từ xa xưa nhằm góp phần phát huy hiệu quả đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm” của UBND quận, qua đó nghiên cứu bảo tồn các nghi thức cúng, tế lễ, đặc biệt là lễ hội trong các di tích thờ thiên thần, nhân thần ở khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Đề án là một trong những hoạt động thiết thực nhằm khơi lên niềm tự hào của nhân dân Thủ đô, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Hoàng Lan

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 22/7/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT