Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành du lịch tập trung cơ cấu lại thị trường, đẩy mạnh số hóa và phát triển sản phẩm đặc trưng giai đoạn 2021-2025

Cập nhật: 30/06/2021 09:37:22
Số lần đọc: 839
(TITC) – Sáng ngày 29/6/2021, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Hội nghị diễn ra với nhiều điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị này để lấy ý kiến góp ý cho Chiến lược và Chương trình hành động, qua đó tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành tổng kết thực hiện Chiến lược văn hóa giai đoạn trước và xây dựng Chiến lược văn hóa mới, nội hàm trọng tâm là đảm bảo được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Đó là khơi dậy và phát huy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh trong đó văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh, mục tiêu xây dựng văn hóa là hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ.

Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trình Thủ tướng phê duyệt năm 2020. Đây là cơ sở để tiếp tục cụ thể hóa bằng chương trình hành động trong giai đoạn tới.

Với sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thời gian qua ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh, từng bước tiếp cận với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn, nên việc cần thiết nhất trong bối cảnh hiện nay là xây dựng chương trình hành động để ngành du lịch vượt khó và phát triển trong dài hạn.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để ngành du lịch phục hồi sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình thực hiện.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chương trình hành động cần đặc biệt chú ý đến việc số hóa, ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát triển du lịch, hình thành được cơ sở dữ liệu thông tin liên kết, kết nối với các doanh nghiệp, địa phương trong cả nước. Đồng thời, chú trọng đổi mới, sáng tạo về sản phẩm du lịch theo hướng mỗi một tỉnh, thành tạo ra được một sản phẩm mang tính đặc trưng riêng, kết nối 63 tỉnh thành, nâng cao giá trị du lịch.

Giới thiệu về dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, mục đích của Chương trình hành động là cụ thể hoá quan điểm, đường lối, định hướng đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Dự thảo Chương trình hành động đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch, trong đó tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện.

(2) Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch, trong đó đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành hệ thống thông tin số về du lịch; thực hiện các đề án, dự án, mô hình phát triển và quản lý điểm đến du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch.

(3) Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch: Phát triển hạ tầng giao thông tại các khu du lịch quốc gia, khu vực động lực phát triển du lịch; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

(4) Phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch công nghiệp, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch về đêm, du lịch thể thao; khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh.

(5) Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, trong đó đề xuất triển khai kịp thời các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch.

(6) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững: Xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và Quy hoạch phát triển nhân lực du lịch đến năm 2030; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động nghề du lịch; bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp du lịch.

(7) Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch: triển khai các chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm; thực hiện các cam kết, ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các vấn đề về thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, quản lý các khu du lịch quốc gia, liên kết phát triển du lịch…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, trong đó đặt ra những quan điểm phát triển cơ bản gồm có: (1) Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; (2) Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; (3) Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; (4) Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện từ gia đình đến cộng đồng dân cư; (5) Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 trong thời gian tới./.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT