Non nước Việt Nam

Cá Bỗng đặc sản Hạ Thành

Cập nhật: 16/04/2024 11:44:50
Số lần đọc: 1033
Cá Bỗng vốn là loài cá tự nhiên, sống ở các con sông lớn thuộc vùng núi phía Bắc như sông Lô, sông Gâm. Người Tày khi đi chài lưới đã bắt những con cá này về thả trong ao nhà, thuần hóa dần để trở thành loài cá nuôi. Hiện nay, hầu hết các thôn của xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đều có người nuôi cá Bỗng, nhiều nhất là ở thôn Hạ Thành, gần như 100% các hộ gia đình nuôi loài cá này. Cá Bỗng đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của đồng bào, được vinh danh vào top 121 món ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam.


Anh Nguyễn Văn Hạnh, quán Homestay Haha, thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) chế biến cá Bỗng.

Gắn bó với nghề nuôi cá Bỗng đã từ rất lâu, ông Nguyễn Văn Phiêng, thôn Hạ Thành cho biết: “Việc nuôi cá Bỗng không chỉ đem lại thu nhập, mà con cá còn là niềm vui, thậm chí như những người bạn. Vì thế, ông luôn dành nhiều thời gian chăm sóc cho ao cá Bỗng. Thức ăn chủ đạo của cá là rau, lá sắn, thân chuối băm nhỏ, bèo tấm. Dù dễ nuôi nhưng không phải ở đâu cũng nuôi được cá Bỗng, quan trọng nhất là nguồn nước. Nước phải thật sạch và trong thì cá mới mau lớn. Nguồn nước nuôi cá được dẫn từ nước suối đầu nguồn hoặc các mạch nước từ khe đá về. Nhờ vậy, cá thường khỏe mạnh và ít bệnh”.

Cá Bỗng có màu xám thẫm, lưng màu đen hoặc xám xanh, nhạt dần về phía bụng, vây cá có màu đỏ nhạt. Cá được coi là đặc sản do thịt chắc, ruột nhỏ, ít mùi tanh, có hàm lượng dinh dưỡng cao và là 1 trong 5 loại cá tiến vua ngày xưa, bên cạnh cá Lăng, cá Anh vũ, cá Dầm xanh, cá Chiên. Cá Bỗng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Người Tày nâng niu loài cá này như của cải có giá trị, họ dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng và thường chỉ được chế biến vào mỗi dịp có khách quý hay những ngày lễ, tết.

Món cá Bỗng trong mâm cơm của người Tày.

Từ khi thôn Hạ Thành được công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng, nơi đây đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi muốn thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị truyền thống, đặc biệt là đặc sản cá Bỗng. Anh Nguyễn Văn Hạnh, chủ quán Homestay Haha cho hay: “Trong homestay của tôi có ao thả cá Bỗng bắt từ nhà dân về. Khi có khách đặt món, nhà hàng sẽ trực tiếp bắt cá từ ao lên, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi sống, vừa để khách được trực tiếp nhìn thấy con cá. Chúng tôi liên kết với các hộ dân trong thôn nuôi cá, trồng rau để cung cấp cho nhà hàng. Việc chế biến do chính tôi cùng các đầu bếp người Tày thực hiện. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy nét đặc sắc trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tạo thành một mảnh ghép quan trọng trong phát triển du lịch của thành phố Hà Giang”.

Với hương vị và nghệ thuật chế biến tinh tế của từng món ăn cá Bỗng, mới đây nhất, cá Bỗng cùng 2 món ăn khác là phở ngô và cháo ấu tẩu của Hà Giang đã được vinh danh trong hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu của Việt Nam. Danh tiếng của cá Bỗng có được nhờ tổng hợp của các yếu tố tự nhiên, nguồn giống, quá trình chăm sóc. Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá Bỗng Hà Giang. Đây là loài cá lớn chậm, nuôi khoảng 10 năm cá mới bắt đầu sinh sản nhưng tỷ lệ sống thấp, chỉ khoảng từ 30 - 40%. Trước thực trạng đó, nhằm bảo vệ nguồn gen quý của loài cá Bỗng, với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật cho cá Bỗng sinh sản nhân tạo. Nhờ đó, tỉnh đã chủ động được nguồn giống, cung cấp cho các hộ dân để tiếp tục phát triển thương hiệu cá Bỗng Hà Giang.

Bài, ảnh: Mộc Lan

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Ngày đăng 15/04/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT