Cà Mau: Ngành du lịch - Chủ động thích ứng bình thường mới
Địa điểm dừng chân trên chặng hành trình dài khám phá Mũi đất Cà Mau, cơ sở Tư Tỵ nằm ven tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Rạch Gốc trở thành điểm đến khá lý thú của phần lớn du khách, bởi không gian thoáng mát, nhiều mái nhà được thiết kế trang nhã, nằm dưới tán rừng đước đặc thù. Ông Lê Minh Tỵ, chủ điểm dừng chân Tư Tỵ, cho biết, trong tháng 12, cơ sở sẽ tiến hành cải tạo, sửa chữa lại chuẩn bị đón khách dịp mùa xuân mới.
“Nhiều công ty lữ hành, nhất là những đoàn khách từ Bắc vào đã liên hệ đặt trước vị trí dừng chân, nghỉ ngơi và trải nghiệm trong giữa tháng 12 và dịp đầu năm mới, mình phải lên kế hoạch, chủ động đảm bảo cơ sở vật chất để đón tiếp, vì sau thời gian dài nghỉ dịch, một phần cơ sở đã xuống cấp”, ông Lê Minh Tỵ chia sẻ.
Ðiểm du lịch cộng đồng Tư Nhuần gắn với quần thể Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Hờ, chủ điểm du lịch Tư Nhuần, cho biết, do đặc thù du lịch gia đình nên dù dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh thì cơ sở vật chất vẫn luôn được bảo quản, gìn giữ, thường xuyên tu bổ nên luôn chủ động, sẵn sàng tiếp đón khách trở lại khi dịch bệnh ổn định. Thời gian nghỉ dịch, cơ sở tăng cường phát triển lượng hải sản trong 10 ha rừng sinh thái phục vụ trải nghiệm cho du khách.
“Ba khía, thòi lòi, cua, vọp giờ nhiều lắm, khi có khách trở lại sẽ đáp ứng ngay nhu cầu trải nghiệm câu cá, khám phá thu hoạch hải sản dưới tán rừng, soi ba khía đêm… Hiện, trong khu rừng do gia đình quản lý làm du lịch có trên 100 kg cá bống mú, đây là loài cá được du khách rất thích khi nấu lẩu bởi thịt chắc, ngọt, thơm ngon…, còn các loại khô thì rất nhiều người dân trong khu vực luôn sản xuất, khách có nhu cầu là đáp ứng ngay”, ông Nguyễn Văn Hờ thông tin thêm.
Xuôi về vùng rừng U Minh Hạ, ông Giang Hoàng Hon, chủ Khu Du lịch sinh thái Hương Tràm (xã Khánh An, huyện U Minh), cho biết, thời gian nghỉ dịch cũng là dịp đơn vị chỉnh trang lại cơ sở vật chất, trồng thêm hoa, cây cảnh, mở thêm các tuyến đường luồng rừng… Phương châm của khu du lịch là phục vụ du khách phải thật sự an toàn, chu đáo khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là thị trường du lịch dịp cuối năm.
Dù du lịch Cà Mau được phép hoạt động trở lại và hạn chế về số lượng du khách nhưng các điểm du lịch hiện đang khá im ắng, e dè đón khách. (Trong ảnh: Khu Du lịch sinh thái Hương Tràm, xã Khánh An, huyện U Minh).
“Ngoài ẩm thực phong phú gắn với hệ sinh thái ngọt của rừng U Minh, các trò chơi cũ, đơn vị mở thêm tuyến đi bộ xuyên rừng, tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm lấy mật ong…”, ông Giang Hoàng Hon thông tin, đồng thời cho biết địa phương sắp triển khai xây dựng cây cầu nối tuyến lộ lớn vào tận khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tìm đến khám phá những nét đặc trưng, thoả thích vui chơi và thưởng thức ẩm thực mang đậm nét đặc trưng xứ rừng U Minh Hạ.
Thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động du lịch tỉnh nhà vốn đang tăng tốc rất nhanh kể từ khi hình thành những dự án, công trình tại Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cũng như sự thành công của Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2021”. Du lịch cả năm 2021 ước đạt 700.000 lượt khách, giảm đến 45% so cùng kỳ, doanh thu chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm 56,6% so cùng kỳ.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cho biết, bên cạnh hướng dẫn các khu, điểm du lịch hoàn thiện và đảm bảo các điều kiện trong công tác phòng, chống dịch khi du lịch khởi động lại, sở tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút du khách về du lịch tại địa phương. Năm 2022, đơn vị tiếp tục tăng cường liên kết, quảng bá, tổ chức đa dạng các sự kiện kích cầu để phục hồi du lịch, nhất là các hoạt động trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2022”.
Khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch là lĩnh vực bị tác động đầu tiên và khi trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch, ngành du lịch cũng là lĩnh vực muộn nhất tái khởi động. Nhiều bộn bề, khó khăn, tuy nhiên, với lợi thế và tiềm năng, nhất là sức hút về địa danh, về nét đặc trưng riêng biệt, cùng với tính cách con người Cà Mau đã tạo nên một thương hiệu thu hút du khách. Với nhiều cách làm mới, chuyên nghiệp hơn, hy vọng ngành du lịch địa phương sẽ lại tiếp tục tăng tốc phát triển, xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.
Trần Nguyên